Ông Kobayashi Yoichi, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Mekong Nhật Bản tặng quà lưu niệm Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Ông Kobayashi Yoichi, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Mekong Nhật Bản tặng quà lưu niệm Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Mô hình hợp tác mới giữa Việt Nam và Nhật Bản

(ĐTCK) Cuộc Tọa đàm đối thoại chính sách lần thứ 3 giữa Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) vừa diễn ra tại Hà Nội sáng 27/10

Buổi tọa đàm có sự tham gia của 70 doanh nghiệp Nhật Bản, là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Mục đích cuộc tọa đàm nhằm trao đổi và ghi nhận các kiến nghị đề xuất của cộng đồng DN Nhật Bản, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điểu kiện thuận lợi cho các DN Nhật đến đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên, đồng thời đánh giá cao việc đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến chung Việt Nam Nhật Bản trên cơ sở việc thành lập Ủy ban thực hiện sáng kiện chung Việt Nam - Nhật Bản cách đây 11 năm, coi đây là khuôn khổ nền tảng cho sự trao đổi giữa các cơ quan chính phủ của Việt Nam với các hiệp hội, DN Nhật Bản để thúc đẩy việc cải thiện và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong 11 năm qua.

Bên cạnh đó, từ sáng kiến chung này, hai nước còn xây dựng chiến lược hợp tác công nghiệp hóa đến 2020 và tầm nhìn 2030, tập trung phát triển 6 ngành công nghiêp ưu tiên của Việt Nam và phía Nhật Bản quan tâm đầu tư, có lợi thế. Với việc hai bên thống nhất với nhau về môi trường đầu tư, về lĩnh vực đầu tư có thể mạnh, có thể coi đây là thuận lợi rất lớn cho DN Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam, đưa Nhật Bản đã trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu trong số 105 quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

Bộ trưởng cũng đặc biệt đánh giá cao mô hình hợp tác giữa tỉnh Đồng Nai và Saitama thông qua việc hai tỉnh ký kết thống nhất tỉnh Saitama thuê lại toàn bộ diện tích 2.180 héc-ta của KCN Nhơn Trạch. Qua đó thu hút được nhiều DN thuộc tỉnh Saitama đầu tư vào KCN Nhơn Trạch. Bộ trưởng cho biết đang giao cho Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá mô hình này, nếu thành công có thể nhân rộng ra quy mô lớn hơn.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn chia sẻ những điểm yếu còn tồn tại trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, dù đã được cải thiện nhiều. Những tồn tại này thể hiện ở 3 vấn đề lớn là kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, điện nước; thể chế của Việt Nam còn chưa hoàn thiện; nguồn nhân lực của Việt nam dù đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng số lao động được đào tạo bài bản còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của các DN FDI.

Đây cũng là lý do vì sao mà đầu tư của Nhật bản vào Việt Nam dù được xếp vị trí hàng đầu trong 105 quốc gia đầu tư vào Việt Nam, nhưng vẫn đứng sau đầu tư vào Trung Quốc và một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan và Indonesia.

Đây là điều cần được cải thiện thông qua việc tăng cường đối thoại thảo luận trực tiếp từ cấp Chính phủ cho tới địa phương, DN để phát huy những điểm mạnh, tìm ra điểm yếu để tìm cách xử lý. Mục tiêu chung là giúp cho Việt Nam có một môi trường đầu tư tốt nhất, góp phần đem lại lợi ích cho Việt Nam và cho cả DN đầu tư tại Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ Việt nam đã ban hành Nghị quyết 19 để phấn đấu đạt tiêu chuẩn môi trường đầu tư của ASEAN 6 và nỗ lực đạt tới chuẩn mực top 4 quốc gia ASEAN dẫn đầu về môi trường đầu tư kinh doanh trong năm 2016.

Về phần mình, đại diện JCCI Nhật Bản cũng đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời tiếp tục đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư và DN Nhật Bản.

Đại diện cho cộng đồng DN Nhật Bản tại Việt Nam, ông Shimon Tokuyama Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang ngày càng tăng nhanh. Năm 2014 thêm 122 DN, tới nay cộng đồng DN Nhật tại Việt Nam đã lên tới hơn 11.000 DN. Với số lượng thành viên này, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan. Đây là minh chứng cho thấy các DN Nhật đang ngày càng quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt nam.

Tuy nhiên, để có thể thực sự thu hút được ngày càng nhiều DN Nhật hiện thực hóa các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, theo ông Tokuyama, cần nỗ lực giải quyết các vấn đề còn tồn tại đang là rào cản đối với các DN Nhật Bản như quy định về hạn chế nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng, vấn đề thị thực nhập cảnh, tăng lương tối thiểu, khoảng cách giữa hai bậc lương, quy định hạn chế làm ngoài giờ, hạn chế thành lập DN 100% vốn FDI trong lĩnh vực logistic…

Theo đó, những kiến nghị về việc nới lỏng và bổ sung sửa đổi các quy định này theo hướng phù hợp hơn đã được đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản nêu lên và gửi tới các cơ quan hữu trách nhằm giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lơi cho DN Nhật Bản tại Việt Nam đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. 

Ghi nhận và tiếp thu các đề xuất và kiến nghị của đại diện JCCI và DN Nhật Bản, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và đại diện các Bộ ngành hữu quan đã có những giải đáp kịp thời, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục ghi nhận để tìm hướng giải quyết theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư.

Tin bài liên quan