Minh bạch quản lý DNNN, cần loại bỏ “lợi ích nhóm”

Minh bạch quản lý DNNN, cần loại bỏ “lợi ích nhóm”

(ĐTCK) Lợi ích nhóm được xem là rào cản lớn nhất trong thực hiện tách bạch chức năng sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước trong DNNN.

Đó là điều được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tại Hội thảo Báo cáo nghiên cứu tách bạch chức năng chủ sở hữu và quản lý nhà nước: Thực trạng và khuyến nghị chính sách, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 26/10/2012.

Minh bạch quản lý DNNN, cần loại bỏ “lợi ích nhóm” ảnh 1

Sabeco và Habeco tuy đã được cổ phần hóa nhiều năm vẫn chưa được chuyển về SCIC

Rào cản lợi ích nhóm

Theo PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng CIEM, trước thực trạng thiếu hiệu quả của khối DNNN, có thể nói xã hội có sự đồng thuận và thừa nhận sự cấp thiết của việc phải tách bạch chức năng sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với khối này. Tuy nhiên, khi bàn đến việc thực hiện được áp dụng theo cơ chế nào, lộ trình ra sao lại vấp phải nhiều tranh cãi. Hiện nay, các cơ quan hành chính nhà nước đang kiêm luôn nhiệm vụ làm ông chủ sở hữu của khoảng 1.300 DNNN. Việc “cắt” quyền chủ sở hữu của cơ quan quản lý có thể gặp nhiều khó khăn dưới dạng ý kiến phản biện như: đơn vị được hình thành để thực hiện chức năng chủ sở hữu không đủ trình độ quản lý, không am hiểu chuyên môn trong từng lĩnh vực riêng biệt, cơ quan quản lý hành chính cần giữ DN lớn trong ngành để điều tiết thị trường…

Đơn cử như trường hợp hai ông lớn ngành bia rượu là Sabeco và Habeco, tuy đã được cổ phần hóa nhiều năm, nhưng đến nay, Bộ Công thương vẫn quyết giữ quyền đại diện vốn nhà nước với lý do là phần vốn nhà nước còn rất lớn, vai trò của các DN này đối với ngành công thương rất quan trọng. Bộ Công thương đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ chuyển giao DN nhỏ trước, DN lớn sau trong thời gian vài năm tới. Trong khi, theo quy định, sau khi cổ phần hóa, đại diện vốn nhà nước sẽ phải chuyển về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Theo TS. Lê Đăng Doanh, báo cáo nghiên cứu của CIEM đã đề cập nhiều vấn đề cơ bản của việc tách bạch hai chức năng này, song vẫn chưa nói thẳng vào vấn đề lợi ích nhóm. Nỗ lực đổi mới DNNN đã được tiến hành từ năm 1965, nhưng đến nay vẫn chưa thành công như mong đợi, mà nguyên nhân gốc rễ chính là lợi ích nhóm. Nhiều DN đã cổ phần hóa rồi nhưng vẫn quản lý theo cơ chế “xin - cho”, vẫn phải “cung kính” với bộ, ngành chủ quản. Chính vì vậy, trong khi cơ quan quản lý quá bận với các sự vụ của DN, thì DN lại không thể phát huy tính tự chủ và cũng là cái cớ để DN chối bỏ trách nhiệm với lý do đã có sự phê duyệt của lãnh đạo bộ, ngành quản lý.

Bên cạnh đó, ông Doanh cũng lưu ý việc cải cách quy trình bổ nhiệm đối với cán bộ quản lý, điều hành DNNN. Như vụ Vinashin là một ví dụ điển hình, đầu tiên là bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin, sau đó ông Bình bị bắt, ông Trần Quang Vũ được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, rồi cũng bị bắt. Rõ ràng là quy trình xem xét bổ nhiệm có vấn đề. Trong khi ở các nước, việc bổ nhiệm lãnh đạo DN có hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm, kèm theo hình thức thưởng phạt.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thay đổi cách nhìn nhận về vai trò DNNN. Hiện nay, chúng ta thường cho rằng, vai trò của DNNN là tham gia vào lĩnh vực tư nhân không sẵn sàng hoặc không có khả năng tham gia. Nhưng thực tế cho thấy, khối tư nhân đã thực hiện nhiều dự án công trình lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, trước đây được mặc định là họ không muốn hoặc không đủ khả năng tham gia. Quan điểm đó cũng là một phần biểu hiện của vấn đề lợi ích nhóm mà chúng ta cần thay đổi.

 

Đầu tư công phải có luật

Luật DN 2005 chỉ quy định, tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế. Toàn bộ hoạt động đầu tư công, hoạt động của khối DNNN không được điều tiết bởi luật nào. TS. Doanh khuyến nghị, cần sớm ban hành luật về chủ sở hữu nhà nước, Luật Đầu tư công hoặc ít nhất là sửa Luật DN mà trong đó hoàn thiện các quy định về quản lý DNNN.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Lê Thị Hoa, thành viên HĐQT Ngân hàng Vietcombank, đại diện DN có mặt tại Hội thảo, cũng cho rằng, để giải quyết câu chuyện lợi ích nhóm, cần sớm ban hành các văn bản quy phạm, tạo ra cơ chế pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho việc quản lý vốn nhà nước, vấn đề chủ sở hữu. Từ đó, các bên tham gia có căn cứ để thực hiện, kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, cần công khai minh bạch để cả xã hội có thể giám sát, bởi DNNN là thuộc sở hữu toàn dân.