Việc rà soát xóa bỏ các điều kiện kinh doanh theo kiểu rào cản  cần được tiếp tục thực hiện mạnh tay hơn nữa

Việc rà soát xóa bỏ các điều kiện kinh doanh theo kiểu rào cản cần được tiếp tục thực hiện mạnh tay hơn nữa

Mạnh tay gỡ bỏ điều kiện kinh doanh trá hình

(ĐTCK) Hàng loạt điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu được quy định tại thông tư và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành vẫn đang là nỗi ám ảnh lớn đối với doanh nghiệp. 

Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng những loại giấy phép con trá hình này được loại bỏ, để hoạt động kinh doanh được thuận lợi hơn.

Bộ Công thương nằm trong số bộ, ngành bị doanh nghiệp than phiền nhiều nhất, bởi bộ này vẫn ban hành nhiều điều kiện kinh doanh mang tính cản trở hơn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Thậm chí, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, quá trình nghiên cứu nhiều nghị định, thông tư của Bộ Công thương cho thấy, dù đây là bộ kiểm soát độc quyền và khuyến khích cạnh tranh, song chủ yếu lại soạn thảo các văn bản hướng dẫn với tư duy tạo ra độc quyền kinh doanh.

Tư duy bảo thủ này khiến ông Cung thẳng thắn đề nghị: “Cần xem xét tách cơ quan quản lý độc quyền khỏi Bộ Công thương để giám sát bộ này đẩy mạnh kiểm soát độc quyền và cạnh tranh bình đẳng”.

Một trong những thông tư điển hình khiến DN liên tục kêu trời trong thời gian dài là Thông tư 20/2011/TT-BCT ban hành ngày 12/5/2011 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Mục tiêu của Thông tư là tạo ra “rào cản kỹ thuật” hạn chế nhập siêu thông qua việc yêu cầu các nhà nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng và giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Trong 5 năm thực hiện, thông tư này đã khiến các DN kinh doanh xe hơi trong nước “sống dở chết dở” vì bị phân biệt đối xử, làm tăng giá xe tại thị trường nội địa và tạo điều kiện cho các DN và đại lý nước ngoài độc quyền trong việc phân phối xe tại thị trường Việt Nam.

Với việc can thiệp vào hoạt động kinh doanh, làm méo mó thị trường, tạo độc quyền, thông tư này đã bị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng CIEM đề xuất gỡ bỏ. Đáng mừng là từ ngày 1/7, về cơ bản các điều kiện đặt ra trong thông tư này đã được loại bỏ khi bị gạt ra khỏi Nghị định hướng dẫn điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương.

Điểm thú vị là, ngay trước thời điểm 1/7, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị tới Chính phủ đề xuất giữ Thông tư 20 và cần ban hành các quy định để chống gian lận thương mại về chuyển giá khi nhập khẩu xe ô tô. Theo ông Cung, việc loại bỏ Thông tư 20 là cần thiết và hoàn toàn đúng vì thông tư này thực chất đã can thiệp quản lý hành chính nhà nước một cách vô lý vào hoạt động kinh doanh bình thường, gây ảnh hưởng tiêu cực và cản trở các DN nhập khẩu ô tô của Việt Nam, nhất là khi thị trường bán lẻ mở cửa tới đây.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, phản ứng trên của các DN sản xuất ô tô liên doanh và nước ngoài cho thấy việc xóa bỏ Thông tư 20 đã triệt tiêu lợi ích có thể coi là đặc quyền dành riêng cho nhóm DN này từ nhiều năm nay. Do đó, việc đối tượng này phản ứng ngay là dễ hiểu. Tuy nhiên, không thể vì duy trì lợi ích độc quyền của một nhóm mà làm ảnh hưởng tới các DN khác và thị trường. Tới đây, việc rà soát xóa bỏ các điều kiện kinh doanh theo kiểu rào cản này cần được tiếp tục thực hiện mạnh tay hơn nữa.

Trong thời gian tới, nhiều loại thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư “điểm danh” cần rà soát loại bỏ để tháo gỡ rào cản cho DN. Trong số này, có Thông tư 37/2015/TT-BCT thay thế cho Thông tư 32/2009/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm đối với các sản phẩm dệt may, do các quy định tại thông tư này không những không giúp giảm bớt mức độ phức tạp của thủ tục kiểm định, mà ngược lại còn làm tăng chi phí và đối tượng kiểm tra của DN.

Thứ hai là thủ tục xác nhận khai báo hóa chất quy định tại Nghị định 26/2011/NĐ-CP và Thông tư 40/2011/TT-BCT quy định về  xác nhận khai báo hoá chất. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định này là trái với Luật Hoá chất 2007, đồng thời không có mục tiêu quản lý nhà nước rõ ràng, gây tốn kém chi phí rất lớn cho DN, kéo dài thời gian thông quan khi làm thủ tục nhập khẩu hóa chất.

Ngoài ra, còn có quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng tại Thông tư số 07/2012/TT-BCT; thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP…

Tin bài liên quan