Habeco và một loạt “đại gia” khác như Habeco, Vinamilk... sẽ tiến tới không còn vốn nhà nước

Habeco và một loạt “đại gia” khác như Habeco, Vinamilk... sẽ tiến tới không còn vốn nhà nước

“Lột xác” doanh nghiệp bằng thay đổi cách làm

(ĐTCK) Sự e dè như thường thấy ở nhiều diễn đàn về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước khi nhắc đến cụm từ tư nhân hóa đã không còn diễn ra khi giới chuyên gia, doanh nghiệp và cả các nhà quản lý đều phải thẳng thắn thừa nhận rằng: đến lúc phải làm thật và làm quyết liệt.

Chưa hết nạc, không vạc đến xương

Giám đốc tư vấn một CTCK lớn đã rất bức xúc khi công ty này chỉ hưởng hơn 20 triệu tiền phí tư vấn cổ phần hóa nhưng có tên trong nhiều đơn kiện gửi tới các cấp quản lý vì những dùng dằng trong cổ phần hóa một doanh nghiệp thuộc ngành nông nghiệp.

Doanh nghiệp chẳng lãi lời nhiều ở hoạt động kinh doanh chính, nhưng lại có quỹ đất lớn, phương án cổ phần hóa cũng cực kỳ hấp dẫn khi nhà nước bán toàn bộ cổ phần. Vậy là nhà đầu tư lớn đua nhau đặt chỗ, nhất quyết giành cho bằng được phần mình. Doanh nghiệp “nạc” trong trường hợp này cũng tắc cổ phần hóa.

Câu chuyện trên cũng cho thấy, doanh nghiệp “màu mỡ” không phải đợi đến IPO mới có nhà đầu tư quan tâm, cổ phần hóa, thoái vốn đến từ rất sớm kia. Còn nhiều doanh nghiệp khác, tỷ lệ nhà nước giữ vốn luôn là một trọng số mà nhà đầu tư cân nhắc khi quyết định xuống tiền. 

Đó cũng chính là một lý do giới chuyên gia đánh giá rằng, cổ phần hóa thời gian qua chưa thực chất, chưa tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi thực sự, vì tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp vẫn còn rất lớn.

Số liệu được ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, có 49 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Theo phương án cổ phần hóa thì tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp này sau IPO là 23.000 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước vẫn lên tới gần 11.000 tỷ đồng, chiếm 50%.

“Theo phương án cổ phần hóa, lượng cổ phần Nhà nước nắm giữ vẫn cao như vậy. Trong khi thực tế, tỷ lệ cổ phần bán được còn thấp hơn thực tế”, ông Hùng nói và dẫn chứng, trong số 426 doanh nghiệp đã triển khai xong cổ phần hóa, chỉ có 254 doanh nghiệp bán được hết lượng cổ phần dự kiến bán ra, chiếm 60% tổng số doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Vốn nhà nước trong doanh nghiệp còn rất lớn và có thể còn lớn hơn con số công bố bởi theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều trường hợp đối tác mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước chính là doanh nghiệp nhà nước khác. Sở hữu chéo lẫn nhau, đồng nghĩa về bản chất, các doanh nghiệp vẫn là doanh nghiệp nhà nước dù được tiếng là cổ phần hóa thành công.

Tương tự là chuyện thoái vốn nhà nước, nếu như trước kia, Nhà nước chủ trương thoái vốn tại các doanh nghiệp nhỏ, giữ vốn tại doanh nghiệp lớn, thì nay quan điểm đã thay đổi. Một loạt đại gia như Vinamilk, Sabeco, Habeco sẽ tiến tới không còn vốn nhà nước. Nhưng với những gì đang diễn ra, dường như tiến trình này sẽ không có được tốc độ như nhà đầu tư mong đợi. Phát súng đầu tiên mới dừng lại ở 9% bán vốn VNM vào ngày 12/12 tới, đợt bán vốn tiếp theo chưa được xác định, Habeco còn mắc mớ với Carlsberg và tại Sabeco, Nhà nước vẫn chủ trương giữ 49%.  

Chờ gió mới

Gây tranh cãi lớn nhất trong cả cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước là định giá doanh nghiệp và cách bán cổ phần để một mũi tên ra có thể trúng nhiều đích, minh bạch, tối ưu hóa số tiền thu được, giữ được thương hiệu Việt… Bởi có nhiều mục đích như vậy, nên thị trường dường như cảm nhận một sự lúng túng trong triển khai và cần những cách nhìn mới để làm mới.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc CTCP Stoxplus cho rằng, không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng tốt, 68% doanh nghiệp cổ phần hóa là những doanh nghiệp nhỏ, mang tính địa phương, nên kém hấp dẫn. “Phải sử dụng kỹ thuật mới, thậm chí xé tài sản ra để bán, bởi có không ít nhà đầu tư muốn mua tài sản xấu. Rõ ràng, nhu cầu mua cổ phần của các doanh nghiệp này là có, nhưng cách làm của chúng ta chưa cụ thể, chưa sáng tạo”, ông Thuân đề xuất.

Cũng theo ông Thuân, muốn bán được cổ phần doanh nghiệp thì phải cho nhà đầu tư nhìn thấy vị trí của doanh nghiệp trong quy hoạch tổng thể về ngành, môi trường xung quanh để nhà đầu tư xem xét quyết định. Ông Thuân ủng hộ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với niêm yết, vì lên sàn không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cấp quản trị, minh bạch thông tin mà là cơ hội để thu hút vốn trong ngoài nước.

Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam quan ngại về việc, hiện vẫn có tâm lý phải xác định giá trị doanh nghiệp thật cao, để không bị quy kết rằng có nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước, trong khi thực tế là giá trị doanh nghiệp phải hợp lý đối với người mua. Chưa kể, những chuẩn mực hoặc phương pháp định giá mà các nhà tư vấn thực hiện mới chỉ được công nhận trong nước và khó có thể được nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng.

Trở lại với câu chuyện ở phần đầu bài viết, về vai trò của nhà tư vấn trong các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn. Hiện nay,  không hiếm các trường hợp thuê tư vấn nhằm hợp thức hóa các thủ tục theo quy định mà không tính đến hiệu quả.

Một phần nguyên nhân đến từ việc phí tư vấn theo các quy định hiện hành ở mức rất thấp, không tạo động lực khuyến khích các bên tham gia, thậm chí một số công ty chứng khoán còn tránh xa lĩnh vực này vì “nếu chỉ ăn phí, dây vào, thêm mệt”. Bởi vậy, theo luật sư Lê Nết, nên tạo dư địa về chi phí cho các nhà tư vấn tốt, gắn giá trị cổ phần bán càng lớn, hoa hồng càng tăng, khi đó nhà tư vấn sẽ làm tốt nhất có thể.        

“Lột xác” doanh nghiệp bằng thay đổi cách làm ảnh 1

 Luật sư Lê Nết,  Công ty Luật LNT&Partnes

Trong thoái vốn, cách định giá theo tài sản hiện tại là bản thân người bán – chủ doanh nghiệp cổ phần tự định giá trị doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, nếu nhìn theo cách nhìn kinh tế luật thực tế phải là người mua định giá mới là phù hợp và chính xác.

Bản thân LTN&Partners đã tham gia vào thoái vốn một số tập đoàn như Big C. Quy trình của họ rất đơn giản, họ thuê một bên tư vấn để báo cáo chi tiết và lập ra danh sách những nhà đầu tư tiềm năng, họ tính được giá trị cộng hưởng. Sau đó những nhà đầu tư phản hồi và bản thân người mua tự định giá, giá cao nhất được vào vòng trong, sau đó qua các vòng đàm phán song song tạo sức ép cho người mua và Big C bán được với giá cao nhất. Nhưng điều kiện để áp dụng hình thức này phải bán với lô lớn, còn nếu đưa lên sàn thì tức là chẻ nhỏ tài sản thì sẽ không thể có giá cao, doanh nghiệp cũng không nhất thiết phải lên sàn.

Mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là thu hẹp vốn nhà nước vào những lĩnh vực không cần tham gia, bán vốn nhà nước với giá phù hợp theo giá thị trường.

“Lột xác” doanh nghiệp bằng thay đổi cách làm ảnh 2

 Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính

Tuy nhiên, thị trường hiện nay chưa hoàn thiện, giá cổ phiếu đôi khi chưa phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp, vì vậy rất cần cơ chế chính sách quy định thật rõ ràng. Một số doanh nghiệp lên sàn trước khi nhà nước thoái vốn, giá cổ phiếu chỉ là một công cụ để tham chiếu giá, còn việc định giá doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đúng quy trình. Lên sàn, mục tiêu là minh bạch thông tin, áp dụng chuẩn quản trị với doanh nghiệp.

Tới đây, Chính phủ sẽ công bố công khai danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn với thông tin chi tiết như Nhà nước sẽ nắm giữ bao nhiêu % cổ phần. Nhà nước cũng không hạn chế việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ cổ phần bán ra cho từng đợt sẽ căn cứ vào sự quan tâm của nhà đầu tư.

“Lột xác” doanh nghiệp bằng thay đổi cách làm ảnh 3

 Ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV

Trong cổ phần hóa, làm rõ trách nhiệm của bộ chủ quản và lãnh đạo doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. 5 năm vừa qua, hoạt động cổ phần hóa tại nhiều doanh nghiệp bị chậm, nhưng chẳng thấy ai bị xử lý, không quy rõ trách nhiệm, không xử lý, đây là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ.

Một bất cập khác là khâu định giá doanh nghiệp của chúng ta quá lâu, quá chậm và nhiều khi làm mất cơ hội của doanh nghiệp tại thời điểm đó. Sau khi đã thuê tư vấn, định giá rồi, lại chờ kiểm toán nhà nước kiểm tra lại.

Một vấn đề quan trọng khác là câu chuyện về sở hữu nhà nước. Sau khi cổ phần hóa, Nhà nước vẫn chiếm tới 60% sau cổ phần, hay trong khối ngân hàng với các ngân hàng lớn, Nhà nước vẫn chiếm 84% thì rõ ràng nhà đầu tư trong nước, nước ngoài họ sẽ không mặn mà khi họ chỉ nắm 5% hay 10-15%. Nhà nước phải mạnh mẽ giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong doanh nghiệp.

“Lột xác” doanh nghiệp bằng thay đổi cách làm ảnh 4

 Chuyên gia Lê Đăng Doanh

Nhìn vào kết quả hiện nay có thể thấy rất rõ, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá, thoái vốn ở một số doanh nghiệp chưa đạt tiến độ. Tỷ lệ vốn được cổ phần hóa còn thấp. Quản trị doanh nghiệp đổi mới còn chậm; kiểm tra, giám sát nội bộ còn hạn chế.

Chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa đã không được thực hiện nghiêm túc, quá trình cổ phần hóa thiếu công khai minh bạch trong lựa chọn cổ đông chiến lược, trong không ít trường hợp có dấu hiệu tư lợi, tiến độ cổ phần hóa chậm, nhất là cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước có tài sản lớn và vị thế mạnh trên thị trường. Trong bối cảnh đó, không ít doanh nghiệp nhà nước đã kinh doanh chỉ dựa vào "quan hệ" thân quen, làm vừa lòng cấp trên, không chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế, dẫn đến tình trạng thua lỗ tràn lan, vay nợ không trả được, làm cho tình hình nợ xấu của nền kinh tế tăng lên.

Tôi cho rằng cần có sớm có "Luật Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước", thực hiện cổ phần hóa dưới sự giám sát của Quốc hội, công khai, minh bạch, giảm bớt số đầu mối doanh nghiệp nhà nước cần phải quản lý. Không có lý do thuyết phục nào để từ chối Luật Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khi mà hầu như tất cả các nước khác đã thực hiện. Quốc hội cần có vai trò và chức năng giám sát tối cao đối với quá trình rất quan trọng này.

Tin bài liên quan