Lao động tại nước ngoài, cẩn trọng khai báo thuế vì hình phạt rất nặng

Lao động tại nước ngoài, cẩn trọng khai báo thuế vì hình phạt rất nặng

(ĐTCK) Việc quản lý thuế tại Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn và lao động trong ngành dầu khí, xây dựng, cùng những người thu nhập cao sẽ bị kiểm toán thuế, thậm chí những lao động tự do trong ngành IT cũng lọt vào “tầm ngắm” của cơ quan quản lý thuế.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Dịch vụ thuế và nhân sự toàn cầu khu vực Đông Nam Á năm 2016 với chủ đề “Quản lý việc tuân thủ và rủi ro khi điều động nhân sự toàn khu vực Đông Nam Á” vừa được tổ chức sáng nay.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Năm 2016 là năm đầu tiên cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực, mở ra nhiều cơ hội cho người lao động Việt Nam làm việc tại các quốc gia khác trong cộng đồng và ngược lại. Ngoài kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, để làm việc ở nước ngoài một cách hợp pháp, yêu cầu người lao động cần phải nắm rõ những quy định của các nước sở tại, đặc biệt là các vấn đề liên quan về quản lý thuế và thủ tục xuất nhập cư ở các quốc gia trong khu vực.

Theo các chuyên gia, mặc dù quy định quản lý thuế ở các nước trong khu vực khác nhau, nhưng nhìn chung đều tạo điều kiện cho người lao động khi làm việc tại các nước sở tại. Trước bối cảnh hội nhập sắp tới, số lượng lao động nước ngoài tại các nước sẽ tăng, đặt ra những yêu cầu về quản lý thuế một cách chặt chẽ.

Mức xử phạt hành chính liên quan đến việc trốn thuế tại Việt Nam có thể đến mức tối đa 200 triệu đồng, thậm chí có thể buộc doanh nghiệp có thuê người lao động ngừng kinh doanh.

Việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người lao động được xem là bắt buộc, nên các trường hợp trốn thuế sẽ bị xử phạt một cách nghiêm khắc, thậm chí có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu không hoàn thành nghĩa vụ.

Theo ông Thomas McClelland, Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, để tránh bị kiểm toán thuế thu nhập cá nhân, người lao động nên cần có ý thức khai báo thuế một cách đầy đủ và chính xác nhất.

Hiện nay, một số quốc gia như Singapore, Malaysia, cơ quan quản lý thuế khuyến khích người lao động tự khai báo các khoản thu nhập, cơ quan quản lý sẽ phối hợp kiểm tra chéo. Nếu nghi ngờ, cơ quản quản lý thuế sẽ có quyền kiếm toán cá nhân đó và nếu xác định được sai phạm, cố tình khai báo không đúng, không đủ, thì người lao động sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Lao động tại nước ngoài, cẩn trọng khai báo thuế vì hình phạt rất nặng ảnh 1

 Theo các chuyên gia, người lao động cần cẩn thận trong khai báo và điều chỉnh các khai báo để tránh bị kiểm toán

Mức xử phạt hành chính tại Việt Nam có thể đến mức tối đa 200 triệu đồng, thậm chí có thể buộc doanh nghiệp có thuê người lao động ngừng kinh doanh. Hay tại Singapore, nếu không tự thông báo cho cơ quan thuế, sẽ bị phạt từ 200-400% đối với khoản thuế bị khai thiều tùy vào mức độ, thậm chí bị bỏ tù.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là quan điểm mà hầu hết các chuyên gia đưa ra đối với một người lao động làm việc ở nước khi có phát sinh nghĩa vụ thuế.

“Người lao động phải hết sức cẩn thận trong khai báo và điều chỉnh các khai báo để tránh bị kiểm toán, vì một khi đã kiểm toán sẽ không được điều chỉnh”, ông Alvin Noel R. Saldana, Giám đốc Dịch vụ thuế và doanh nghiệp Deloitte Philippines chia sẻ.

Tương tự, ông Thomas cho biết thêm: “Thông thường, người nộp thuế không kê khai các khoản thu nhập thường xuyên hàng tháng, mà chỉ điều chỉnh vào cuối năm rồi nộp hồ sơ hoàn thuế. Vì vậy, cơ quan sẽ không chấp nhận việc điều chỉnh đó mà họ sẽ xử lý nếu có vi phạm”.

Ngoài ra, theo bà Jill Lim, Phó Tổng giám đốc bộ phận thuế Deloitte Singapore, người lao động có thể chủ động đến hỏi cơ quan thuế về những điều chưa rõ trong khai báo thuế nhằm giảm bớt nguy cơ bị phạt hoặc xử phạt sẽ ít hơn là để họ tự kiểm toán và phát hiện sai phạm.

Quy trình phải được chứng từ hóa

Tại Việt Nam, vấn đề tuân thủ các hồ sơ chứng từ là rất quan trọng. Quản lý thuế đang cố gắng quản lý tốt hơn về chứng từ với áp lực thu thuế rất lớn mặc dù nguồn lực còn nhiều hạn chế. Những người công tác ở Việt nam trong thời gian ngắn hạn hoặc công ty có thuê nhân viên nước ngoài sẽ phải khai báo với cơ quan thuế và giấy phép lao động của nước sở tại, thống kê thuê thu nhập và phải đóng thuế.

Việc thực hiện quản lý thuế tại Việt Nam đang ngày càng chặt chẽ hơn. Đáng chú ý, ngành dầu khí và xây dựng tại Việt Nam là những ngành có nhu cầu sử dụng nhiều lao động nước ngoài. Những người lao động trong các lĩnh vực này và những người thu nhập cao tại Việt Nam sẽ bị kiểm toán thuế, thậm chí những người lao động tự do trong ngành IT cũng sẽ bị cơ quan quản lý thuế “sờ gáy”.

Trong khi tại Thái Lan, mặc dù chính phủ không đặt trọng tâm vào việc kiểm toán thuế, nhưng những người sở hữu những tài sản có giá trị sẽ khiến cơ quan quản lý để mắt tới. Xu hướng hiện tại, cơ quan thuế tại Thái Lan tập trung vào những người chi tiêu như thế nào, chứ không phải chỉ đơn thuần là thu nhập bao nhiêu.

Ngoại trừ một số nước như Philippines, Myanmar, hoạt động quản lý thuế tại các quốc gia còn lại đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, nếu người lao động chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, thông tin sẽ tự động cập nhật vào hệ thống và khi làm thủ tục xuất cảnh, hải quan sẽ ngay lập tức phát hiện và không cho người đó được xuất cảnh.

Hầu hết các chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu rủi ro vi phạm về thuế khi làm việc tại nước ngoài, người lao động cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về những vấn đề luật pháp có liên quan. Bên cạnh đó, mọi quy trình được hồ sơ chứng từ hóa bài bản. Việc kê khai thống nhất và nhất quan qua các năm. Trong trường hợp có những điểm không rõ ràng, người lao động cần chủ động liên hệ cơ quan quản lý thuế để có những giải đáp.

Tin bài liên quan