Làm gì khi nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế đang lung lay?

Làm gì khi nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế đang lung lay?

Lần đầu tiên trong nhiều năm, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm. Trụ đỡ của nền kinh tế lung lay khiến Chính phủ lo lắng tìm dư địa để lấy lại đà tăng trưởng của nông nghiệp thời gian tới.     

Thị trường và thời tiết làm kiệt sức nhà nông

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, 6 tháng đầu năm, GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%. Đây là lần đầu tiên, toàn ngành có tốc độ tăng trưởng âm. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng, hiện tượng cá chết bất thường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh… là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Điểm sáng nhất của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm là xuất khẩu nông sản đã phục hồi nhẹ sau khi đã tụt dốc mạnh năm 2015. Giá trị xuất khẩu toàn ngành 6 tháng ước đạt 15,04 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đã phục hồi như cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, trong khi gạo tiếp tục suy giảm, còn đồ gỗ hầu như không tăng trưởng.

Mặc dù vậy, điểm dễ thấy là giá xuất khẩu nhiều mặt hàng vẫn tiếp tục suy giảm. Đa số mặt hàng nông sản có cơ cấu thị trường thiếu bền vững, vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc hiện là một trong 4 thị trường nhập khẩu lớn nhất của nhiều mặt hàng chủ lực như cao su, gạo, thủy sản, đồ gỗ, hạt điều, sắn…

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu tuy có tăng về khối lượng, song giá xuất khẩu lại giảm mạnh như cà phê, đồ gỗ, hạt tiêu… Đơn cử, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm đạt 1,71 tỷ USD, tăng 39,8% về khối lượng, nhưng chỉ tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015, do giá cà phê xuất khẩu giảm tới 17% so với cùng kỳ năm 2015.

Riêng về xuất khẩu gạo, do hạn, mặn, sản xuất gặp khó khăn và thị trường suy giảm, nên sản lượng xuất khẩu giảm, song giá gạo lại đang phục hồi. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo ước đạt 2,69 triệu tấn và 1,21 tỷ USD, giảm 9,8% về khối lượng và giảm 5,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. 

Như vậy, dù xuất khẩu nông sản đã phục hồi nhẹ từ “đáy” năm 2015, song giá nhiều mặt hàng vẫn giảm và cơ cấu thị trường xuất khẩu chưa bền vững. Chưa kể, tiêu thụ nông sản trong nước vẫn hết sức hấp bênh.

Lấy lại đà tăng trưởng cho nông nghiệp

Trước tình hình khó khăn của ngành nông nghiệp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu 6 tháng tới, toàn ngành nông nghiệp sẽ phải nỗ lực, tận dụng tối đa mọi khả năng có thể để phục hồi và duy trì tăng trưởng của ngành. Đặc biệt, với hai lĩnh vực tăng trưởng thấp nhất là trồng trọt và thủy sản, phải tranh thủ hạn, mặn đã chấm dứt để đẩy mạnh sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam lưu ý, cơ hội xuất khẩu gạo nước ta những tháng cuối năm khá tốt, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi hai nước ký nghị định thư về kiểm dịch thực vật. Các tỉnh nên khuyến khích sản xuất gạo thơm để tăng giá trị xuất khẩu.

Đặc biệt, riêng với thủy sản, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, đây là lĩnh vực có nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện thị trường xuất khẩu thủy sản khá tốt; còn trong nước, hạn mặn đã chấm dứt, vụ thả nuôi tôm mới đang bắt đầu. Vì vậy, có thể nói, đây là lĩnh vực có nhiều dư địa để thúc đẩy toàn ngành trong năm nay.

“Một kg tôm có giá trị bằng 20 kg lúa. Trong vụ lúa đông - xuân, cả nước bị giảm 1 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm, sản lượng tôm bị thiệt hại 8.000 tấn do hạn - mặn, tương đương 160.000 tấn lúa. Nếu từ nay đến cuối năm, chúng ta tăng được 60.000 tấn tôm so với năm ngoái, thì sẽ đủ bù cho giá trị sản xuất toàn ngành bị tụt giảm”, Bộ trưởng Cao Đức Phát gợi ý.

Bộ trưởng nhắc nhở, muốn thủy sản bù đắp được thiếu hụt từ lúa, phải tìm cách giữ được thị trường, muốn vậy phải giám sát mạnh mẽ về vấn đề tồn dư kháng sinh trên thủy sản, không để tái diễn việc bị các thị trường xuất khẩu cảnh báo như thời gian qua. Trả lời phóng viên Báo Đầu tư trước đó, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú bày tỏ lo ngại sẽ bị mất thị trường Nhật Bản vì tình trạng bơm tạp chất, sử dụng kháng sinh diễn ra tràn lan.

Mặc dù thúc đẩy sản xuất trong nước, giữ vững thị trường xuất khẩu là biện pháp sống còn để lấy lại tốc độ tăng trưởng cho nông nghiệp, song nhiều chuyên gia cho rằng, đây cũng chỉ là những giải pháp trước mắt. Để nông nghiệp tiếp tục trở thành trụ đỡ, quá trình tái cơ cấu cần được thực hiện nhanh và mạnh hơn.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp lo lắng nhận xét: “Nông nghiệp hiện nay chồng lên 3 lớp khó khăn gồm: những yếu kém phức tạp chưa được xử lý; thị trường không có lối ra; biến đổi khí hậu và diễn biến thiên tai phức tạp. Cho nên, không có gì lạ khi thấy tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp liên tục giảm 5 năm qua và lần đầu tiên nông nghiệp tăng trưởng âm. Nền tảng của đất nước đang bị thương tổn, nếu ta không đủ quyết tâm chính trị để cứu vãn, thì nguy cơ của bất ổn đã lấp ló rồi”.

Tin bài liên quan