Kỳ vọng vào nhiệm kỳ hành động

(ĐTCK) Cuộc gặp và đối thoại giữa tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cộng đồng DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 29/4 tới đây được giới DN kỳ vọng, đây sẽ là sự kiện đánh dấu một nhiệm kỳ hành động của Chính phủ mới.

Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam chia sẻ, tiến trình cổ phần hóa DNNN và đưa cổ phiếu lên sàn, cùng với việc thúc đẩy các DN niêm yết thực hiện nới room là những chuyển biến rất lớn trong môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Những chuyển biến này, nếu được Chính phủ thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ, sẽ thu hút dòng vồn đầu tư nước ngoài, từ đó kích hoạt dòng vốn của nhà đầu tư nội vào TTCK, giúp thị trường có sức bật tăng trưởng.

Sự tăng trưởng của TTCK sẽ tác động trở lại đến sức khỏe tài chính DN, giúp các DN có cơ hội huy động vốn tốt hơn, lành mạnh hơn để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu.

Kỳ vọng của ông Tân cũng là kỳ vọng chung của nhiều doanh nhân trên thị trường tài chính Việt Nam. Không lo ngại những rủi ro kinh tế vĩ mô, bởi theo các DN, các vấn đề có thể gây sốc với nền kinh tế như kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, lành mạnh hệ thống ngân hàng…, thường được Chính phủ nhận định sớm và có giải pháp.

Điều các DN kỳ vọng là tân Thủ tướng có chỉ đạo mạnh mẽ để các quy định mang tính cải cách như Luật DN, Luật Đầu tư… được triển khai đồng bộ và nhất quán, nhằm thúc đẩy tinh thần kinh doanh, thúc đẩy sự sáng tạo trong xã hội.

Các DN cũng kỳ vọng, hiệu lực của Thủ tướng sẽ thúc chính quyền các tỉnh thành phố, các sở ban ngành hỗ trợ DN tối đa, giúp DN chuẩn bị nguồn lực, vượt qua các áp lực cạnh tranh từ hội nhập.

“Ở thị trường trong nước, DN phải lo đối phó với hàng nhái, hàng giả, ở thị trường xuất khẩu DN Việt có thể gặp phải các hàng rào thương mại, như các vụ kiện chống bán phá giá bất cứ lúc nào. Vì thế, nếu không có sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan quản lý thì DN Việt khó có thể phát triển”, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ.

Chủ tịch Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang thì mong muốn, Việt Nam có nhiều DN lớn mạnh. Đó cũng là lý do Masan quyết định bỏ một cái giá rất cao để chiến thắng đối thủ Hàn Quốc trở thành cổ đông chiến lược của Vissan, thương hiệu nổi tiếng và lâu năm của Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm tươi sống và chế biến. Nhưng đó chỉ là một điểm sáng giữa bức tranh đáng lo ngại trong ngành bán lẻ khi mà các DN nước ngoài đang chiếm lĩnh hệ thống phân phối ở Việt Nam. Liệu SaigonCoop có chiến thắng đối thủ nước ngoài để sở hữu hệ thống Big C hay không?

Làm thể nào để DN vượt qua thách thức của quá trình hội nhập, tận dụng cơ hội để phát triển? Đây có lẽ là vấn đề lớn nhất mà các DN đặt lên bàn đối thoại trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng sắp tới.

Các DN kỳ vọng sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ thúc đẩy cộng đồng DN phát triển và sự thúc đẩy này có tính đồng bộ, toàn diện, từ vi mô đến vĩ mô, từ địa phương đến các bộ, ngành, đến Chính phủ... Kỷ luật hành chính nhà nước cần được nâng cao, chính quyền địa phương cần gần DN thông qua các diễn đàn các kênh đối thoại rộng mở…

Lãnh đạo nhiều DN chia sẻ, họ sẽ mang những mong mỏi này đến cuộc đối thoại sắp tới, với niềm tin rằng, tinh thần hành động của Chính phủ, của tân Thủ tướng sẽ tạo ra những đổi mới sâu sắc trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Tin bài liên quan