Kỳ vọng vào Chính phủ liêm chính, kiến tạo

Ngày mai (28/7/2016), Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 chính thức thành lập sau khi Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc bổ nhiệm các thành viên khác của Chính phủ.     
Kỳ vọng vào Chính phủ liêm chính, kiến tạo

Ngay từ lúc này, nhân dân cả nước kỳ vọng, dưới sự chèo lái của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ nhiệm kỳ mới được xác định là Chính phủ kiến tạo phát triển; hành động; phục vụ; trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí, sẽ kế thừa những thành tựu, đồng thời khắc phục hạn chế của Chính phủ nhiệm kỳ trước.

Nhìn lại 5 năm qua, mặc dù người dân vẫn có những đánh giá, nhìn nhận khác nhau, nhưng không thể phủ nhận rất nhiều thành tựu vượt bậc trên mọi khía cạnh, từ xây dựng, hoàn thiện thể chế; củng cố, nâng cao tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo; mở rộng hoạt động đối ngoại... Nhờ đó, Chính phủ nhiệm kỳ mới được kế thừa cả một hệ thống văn bản pháp luật ngày một đồng bộ, hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong 5 năm vừa qua, tuy không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế (tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,9%/năm thấp xa so với mục tiêu 6,5%-7,0%/năm), nhưng Chính phủ nhiệm kỳ trước đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với nhiều công trình hiện đại làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới. Đó là hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường Hà Nội - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nhật Tân - Nội Bài; cầu Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên; Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...

Với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, sau 5 năm, Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam từng bước được cải thiện từ vị trí thứ 75 năm 2012 lên thứ 70 năm 2013, thứ 68 năm 2014 và năm 2015 đã leo lên đứng ở vị trí thứ 56/140 nền kinh tế được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng.

Tuy nhiên, bắt tay vào thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2021, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phải tiếp tục giải quyết hàng loạt khó khăn, hạn chế mà nhiệm kỳ Chính phủ các khoá trước chưa xử lý được. Đó là, cân đối ngân sách nhà nước “như người đi trên dây”; bội chi như con ngựa bất kham; chi tiêu ngân sách chưa chặt chẽ. Đó là nợ công, nợ chính phủ tăng nhanh, áp lực trả nợ mỗi năm một tăng. Đó là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước luôn là nỗi thất vọng của người dân khi danh sách doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả ngày càng dài; nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài giảm dần và chấm dứt kể từ năm 2018... Đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng, chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi.

Một Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ sẽ giúp đất nước có thể tránh “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới” mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chỉ ra. Để tránh nguy cơ này, Chính phủ phải củng cố được niềm tin với người dân, với cộng đồng doanh nghiệp,đó là phải xây dựng được một Chính phủ trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng. Bởi nếu không, mọi cố gắng trong kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng chẳng còn ý nghĩa một khi bị nạn tham nhũng lộng hành.

Chống tham nhũng là cuộc chiến vô cùng khó khăn, phức tạp, nhưng người dân vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào Chính phủ nhiệm kỳ mới, đặc biệt là cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi người đứng đầu Chính phủ tuyên bố quyết tâm xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, chống lãng phí.

Tin bài liên quan