Kỳ họp cuối cùng, Quốc hội khóa XIII có thể không chất vấn

(ĐTCK) Chiều 26/6, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo kết thúc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Trước đó, Quốc hội đã họp phiên bế mạc.
Kỳ họp cuối cùng, Quốc hội khóa XIII có thể không chất vấn

Tại cuộc họp báo diễn ra ngay sau phiên bế mạc, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội đánh giá, Quốc hội đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Quốc hội đã xem xét thông qua 11 dự án luật, trong đó có nhiều luật quan trọng về tổ chức bộ máy cũng như các luật liên quan chặt chẽ tới môi trường kinh doanh như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Phí, lệ phí, Luật Kế toán…

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét thông qua 9 Nghị quyết, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về tăng cường biện pháp phòng, chống oan, sai và đảm bảo bồi thường thiệt hại…

Về chất vấn, Quốc hội đã tiến hành chất vấn 5 thành viên Chính phủ, hoạt động chất vấn đã được lựa chọn đúng, trúng những vấn đề về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo. Đây là những vấn đề vừa cấp bách, vừa chiến lược trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi có giải pháp để giải quyết hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên về một số nội dung của phiên họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá sự việc đại biểu Châu Thị Thu Nga là rất đáng tiếc khi bà Nga không giữ gìn được phẩm chất, đáp ứng tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

Trước ý kiến cho rằng, việc đại biểu Nga có “vấn đề” đã xuất hiện từ trước khi bầu cử, nhưng đã không được phát hiện kịp thời, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, suốt quá trình bầu cử, ngay từ khâu đầu tiên xác định tư cách đại biểu thì không thấy đơn thư nên Ban xem xét tư cách đại biểu không phát hiện. Sau 2 - 3 năm, bà Nga là đại biểu Quốc hội mới phát hiện một số đơn thư về sai phạm của đại biểu Nga.

Sau khi kết thúc kỳ họp thứ 8, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã có văn bản đề nghị xem xét bãi miễn đại biểu Nga. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã họp và ra quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với bà Nga để cơ quan pháp luật xem xét, điều tra, xử lý các sai phạm. Và vừa rồi, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã bỏ phiếu chính thức bãi miễn đại biểu Nga do không đủ điều kiện tư cách, mất uy tín trước cử tri và nhân dân.

“Sau sự việc này, chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc nhất là thời điểm chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV” - ông Hạnh Phúc nói.

Trước câu hỏi của phóng viên liệu có hay không việc đại biểu Quốc hội đưa thẻ biểu quyết và nhờ biểu quyết thay, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, nội quy Quốc hội không cho phép biểu quyết hộ. Còn thực tế có hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, không khẳng định được. Số lượng đại biểu, trong cùng một phiên làm việc, khi thảo luận thì ít, đến khi biểu quyết ngay sau đó tăng lên, theo ông Phúc, chênh lệch không nhiều.

Kỳ họp tới, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, thời lượng chất vấn vẫn được giữ nguyên, kéo dài 2,5 ngày. Hiện Đoàn thư ký kỳ họp đang tham mưu với Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn.

Có thể sẽ không chất vấn mà chuyển sang nghe Chính phủ báo cáo toàn bộ thực hiện nội dung chất vấn từ kỳ họp thứ 2 đến nay. Trong quá trình nghe và đánh giá báo cáo, nếu có nội dung còn chậm, còn chưa thực hiện được, thì Quốc hội sẽ yêu cầu Bộ trưởng đó trả lời ngay, làm rõ thêm nguyên nhân. Tuy nhiên, đây mới là đề xuất của Đoàn thư ký kỳ họp, quyết định là thẩm quyền của Quốc hội.

Tin bài liên quan