Hạn hán và nhiễm mặn đã làm sản lượng nông nghiệp của Việt Nam giảm

Hạn hán và nhiễm mặn đã làm sản lượng nông nghiệp của Việt Nam giảm

Kinh tế Việt Nam, những thách thức trước mắt

(ĐTCK) Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 chỉ khoảng 6%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với lần dự báo vào tháng 6 do có những thách thức mới.

Lý giải về nguyên nhân triển vọng ít hứa hẹn so với dự kiến tăng trưởng trước đó, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB cho biết: thứ nhất, tăng trưởng thương mại chậm hơn trong khi Việt Nam là nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào thương mại; thứ hai, đợt hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng đã làm sản lượng nông nghiệp của Việt Nam giảm.

Không chỉ vậy, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam sẽ gặp những rủi ro và thách thức trong ngắn hạn bởi việc tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào đầu tư và nguồn lực con người. Bên cạnh đó, đầu tư vào khu vực tư nhân trong nước chưa đảm bảo được hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình hội nhập, nâng cao được năng suất…

“Đặc biệt, ngành tài chính trong ngắn hạn tiếp tục giải quyết những vấn đề dễ bị tổn thương của hệ thống như nợ xấu, đồng thời phải tăng cường sức mạnh của ngành nhằm phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế hiệu quả, đảm bảo các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn cần có để đầu tư, tiếp tục hoạt động, phát triển”, ông Sebastian nói.

"Không thể lường trước được các yếu tố bên ngoài tác động tới CPI trong nước"

- Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê.

Nhận định về các thách thức trước mắt, các chuyên gia HSBC bổ sung, lạm phát được duy trì dưới mức mục tiêu 5%, nhưng cần phải theo dõi sát sao chỉ số này vì áp lực giá cả đang tăng. Lạm phát mỗi tháng đều tăng và trong tháng 9 đạt mức 3,3%. Trong khi đó, lạm phát cơ bản của tháng 9 là 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm nhẹ trong tháng 8.

HSBC cảnh báo về việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia Việt Nam vừa quyết định tăng mức lương tối thiểu trung bình hàng tháng thêm 7,3% cho người lao động trên toàn quốc, bắt đầu từ năm 2017. Mặc dù đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ năm 1997 và có vẻ là một sự thỏa hiệp giữa đề xuất tăng 5% của người sử dụng lao động và 11% của người lao động, nhưng mức tăng trung bình này cao hơn mức lạm phát hiện tại, vì vậy có thể sẽ thúc đẩy lần tăng giá thứ hai.

Về vấn đề này, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, trong quá trình hoạch định chính sách đã có đánh giá, dự kiến các yếu tố thay đổi như vậy sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nghị quyết mới nhất của Chính phủ yêu cầu, khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục phải thực hiện theo lộ trình từng bước, từng địa phương chứ không thực hiện ồ ạt, đồng loạt, tránh tác động lan tỏa, ảnh hưởng mạnh đến CPI. Trước đó, Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 yêu cầu giữ ổn định giá bán lẻ điện trong năm 2016.

“Tuy nhiên, không thể lường trước được các yếu tố bên ngoài tác động tới CPI trong nước”, bà Thủy nói.

Một thách thức khác, theo Báo cáo tình hình kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa được công bố, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đầu năm đạt mức tương đương cùng kỳ năm ngoái, song đang có xu hướng tăng. Cụ thể, bội chi NSNN trong 8 tháng đầu năm 2016 (so với kế hoạch) luôn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, song tính đến ngày 15/9 đã đạt 60,7% dự toán (cùng kỳ năm 2015 đạt 60,1% dự toán). Nguyên nhân là do chi đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh từ tháng 6 và tính đến ngày 15/9 bằng 51,1% dự toán, cao hơn nhiều so với mức 32,1% của 6 tháng đầu năm 2016. Trong khi đó, thu NSNN vẫn đạt thấp cả về tiến độ thực hiện dự toán cũng như tốc độ tăng. Thu NSNN bằng 65,6% dự toán (cùng kỳ năm 2015 là 70,3%) và tốc độ tăng thu là 3,9% (cùng kỳ năm 2015 là 7,2%).

“Bội chi NSNN nhiều khả năng tiếp tục tăng trong 3 tháng cuối năm do việc đẩy nhanh nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng từ NSNN để đảm bảo kế hoạch, trong khi nguồn thu từ dầu thô, thu xuất nhập khẩu có thể đạt thấp hơn dự kiến”, một lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chia sẻ.

Hiện Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp, mà theo nhận định của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, vì Chính phủ cần tiền để kiểm soát thâm hụt ngân sách và giảm nợ công. Thực tế cho thấy, kết quả chưa như mong đợi. “Sự thiếu minh bạch về giá cả và thông tin nghèo nàn của các công ty là một vấn đề lớn, cản trở tiến trình bán cổ phần nhà nước”, chuyên gia kinh tế của HSBC nhận xét.

Tỷ giá cũng là một vấn đề đáng chú ý. Thị trường ngoại hối 9 tháng đầu năm tương đối ổn định, nhưng Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, từ nay đến cuối năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng sẽ tăng lãi suất và nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới duy trì các biện pháp nới lỏng, đẩy mạnh cung tiền (Nhật Bản, châu Âu), có thể tác động đến tỷ giá.               

Tin bài liên quan