Kinh tế vĩ mô dần phục hồi vững chắc

Kinh tế vĩ mô dần phục hồi vững chắc

(ĐTCK) Các số liệu kinh tế vĩ mô vừa được công bố cho thấy, xu hướng phục hồi của nền kinh tế đã rõ nét.

Đà phục hồi rõ nét

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, CPI tháng 4/2015 chỉ tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, CPI tháng 5/2015 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 0,96% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong bối cảnh thu từ dầu thô giảm, nhưng thu nội địa và thu từ xuất nhập khẩu tăng nên tổng thu NSNN vẫn đảm bảo. Tổng thu NSNN lũy kế đến tháng 4/2015 đạt 314.200 tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ, bằng 34,5% dự toán cả năm. Trong đó, thu từ dầu thô giảm 32,6% so với cùng kỳ, nhưng do kinh tế phục hồi thu nội địa và thu từ xuất nhập khẩu tăng lần lượt 17% và 7,3% so cùng kỳ (cùng kỳ 2014 tăng 17,3% và 21,4%).

Đầu tư chuyển biến tích cực, tổng vốn đầu tư phát triển quý I/2015 tăng 9,1% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng quý I/2014 (3,8%). Bên cạnh đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm sau khi loại trừ yếu tố giá tăng gần 8% so cùng kỳ năm 2014, cao hơn mức tăng của cùng kỳ 3 năm trước.

Đặc biệt, thị trường cổ phiếu phục hồi, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại. Ổn định vĩ mô duy trì, niềm tin kinh doanh cải thiện, tạo điều kiện giảm lãi suất trái phiếu chính phủ. Tăng trưởng tín dụng tốt ngay từ những tháng đầu năm, tính đến tháng 4/2015 đạt 2,78%, mức cao nhất trong 3 năm gần đây (2013 và 2014 tương ứng là 1,04% và 0,53%).  Thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định với thanh khoản tiền VND và USD đều cải thiện và có xu hướng ổn định trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính, đà phục hồi đã rõ nét trong bối cảnh các cân đối vĩ mô được duy trì, tạo nền tảng cho kinh tế trong thời gian tới bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh và bền vững.

Nợ công không đáng ngại

Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô - triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 5/2015 cho rằng, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam đang cải thiện một cách vững chắc, tuy nhiên, GDP danh nghĩa đã tăng rất chậm.

Theo HSBC, một trong những luận điểm chính của NHNN chống lại việc giảm giá tiền đồng là gánh nặng nợ tiếp tục tăng bắt nguồn từ việc đồng VND yếu so với USD. Các khoản nợ bên ngoài của Việt Nam đã tăng lên gần 70 tỷ USD vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, hầu hết các khoản nợ bên ngoài của Chính phủ đều là những khoản vay ưu đãi và gần một nửa hưởng mức lãi suất dưới 1%/năm.

Điều này có nghĩa là các khoản vay bên ngoài không là vấn đề lo ngại chính của Việt Nam vì hầu hết các khoản nợ có thể được gia hạn. Ngay cả khi tiền đồng yếu hơn thì chi phí lãi vay không phải là vấn đề lớn.

Kinh tế vĩ mô dần phục hồi vững chắc ảnh 2

Chính phủ dự báo mức thâm hụt ngân sách sẽ là 226.000 tỷ đồng, mà theo đó, Bộ Tài chính đã điều chỉnh các nhu cầu tài chính đạt mức 250.000 tỷ đồng trong năm 2015. Theo HSBC, nếu nền kinh tế tăng trưởng GDP danh nghĩa 14%, thì sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách ở mức 5,6%. Giả định tăng trưởng GDP danh nghĩa 10%, thâm hụt ngân sách sẽ ở mức 5,8% GDP, gần với mức dự báo 6% của HSBC. Như vậy, gánh nặng nợ công trong nước sẽ tăng nhanh hơn và gần hơn mức giới hạn 65% của Chính phủ.

“May mắn thay, Chính phủ sẽ không thúc đẩy tăng trưởng GDP danh nghĩa nhanh hơn. Điều này đòi hỏi NHNN phải giảm giá đồng nội tệ và/hay giảm lãi suất để hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam cạnh tranh hơn và không khuyến khích tăng trưởng nhập khẩu nhằm giúp ngăn chặn Việt Nam không bị thâm hụt kép - vừa tài chính lẫn thương mại - trong khi vẫn thúc đẩy năng lực cạnh tranh tăng cùng lúc”, bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế của HSBC nói.

Dẫu vậy, bà Trinh Nguyễn cho rằng, Chính phủ còn có rất nhiều việc để làm nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính cũng như thúc đẩy kết nối giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này cần Chính phủ có nhiều cải cách kiên định hơn để sắp xếp các hoạt động chi tiêu, mở rộng cơ sở thuế và cải thiện quản lý nợ. Dòng vốn ngoại đổ vào sẽ có khả năng chậm lại, nếu không muốn nói là giảm trong những năm tới vì cạnh tranh chi phí tiền lương của đất nước có thể suy yếu…

Tin bài liên quan