Tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2017 ước tăng khoảng 5,87%. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất tại Hải Phòng của Công ty TNHH Nakashima Việt Nam.

Tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2017 ước tăng khoảng 5,87%. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất tại Hải Phòng của Công ty TNHH Nakashima Việt Nam.

Kinh tế hồi phục, chất lượng tăng trưởng cải thiện

Không chỉ tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt mục tiêu 6,7%, mà chất lượng tăng trưởng cũng đã có nhiều cải thiện. Lần đầu tiên sau nhiều năm, cả 13 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có thể đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Kinh tế hồi phục, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục 45 tỷ USD

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (12/10), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhấn mạnh, trong điều kiện các ngành, lĩnh vực duy trì được đà tăng trưởng tốt, tăng trưởng ngành khai khoáng không giảm quá sâu…, thì ước tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt 6,7%. Và lần đầu tiên sau nhiều năm, có thể đạt và vượt cả 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Những nhận định trên đã được nhắc đến ngay từ khi Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP quý III/2017 ước đạt 7,46%, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng lên 6,41%. Tổng cục Thống kê tính toán rằng, để cả năm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, quý IV/2017 cần đạt tốc độ tăng trưởng 7,31%.

7,31% là mức tăng trưởng mà theo các chuyên gia kinh tế, hoàn toàn có thể đạt được nếu đà tăng trưởng của quý III được tiếp diễn. Thậm chí, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, quý IV, tăng trưởng GDP có thể đạt khoảng 7,5 - 7,7%. Như vậy, tăng trưởng GDP năm nay còn vượt mục tiêu đề ra.

“Quý IV, cầu tiêu dùng và cầu đầu tư sẽ tăng mạnh hơn khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh. Xuất khẩu nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao những chuyển biến tích cực và khá toàn diện của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm. “Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương về tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường. Thị trường tiền tệ ổn định; dự trữ ngoại hối đạt 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

45 tỷ USD dự trữ ngoại hối là con số rất có ý nghĩa. Đây là mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay, cho thấy những nền tảng vững bền của tăng trưởng kinh tế. 

Không những thế, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, không chỉ lượng, mà cả chất của nền kinh tế cũng được cải thiện. Một vài con số có thể chứng minh. Đó là, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2017 cao hơn so với năm 2016, ước tăng khoảng 5,87% (năm 2016 tăng 5,29%), tính theo giá hiện hành ước đạt khoảng 93,2 triệu đồng/lao động. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp ngày càng tăng trong tăng trưởng kinh tế, từ mức 40,68% năm ngoái tăng lên 44,13%, cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (33,58%).

Bình luận về con số này, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cho rằng, để đánh giá về tốc độ tăng năng suất lao động, đóng góp của TFP, phải nhìn vào giai đoạn 3-5 năm mới hoàn toàn chính xác, song rõ ràng, chất lượng của nền kinh tế cũng đang từng bước được cải thiện.

Khi cả lượng và chất của nền kinh tế đều có dấu hiệu đi lên, thì đó là một thành tựu không nhỏ trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay.

Thách thức nợ công, nợ xấu

Dù nền kinh tế đang diễn biến tích cực, song thách thức, khó khăn không phải là nhỏ. Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh những điểm yếu của nền kinh tế, từ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm, đến chất lượng tăng trưởng kinh tế tuy đã cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu, đặc biệt là những vấn đề về nợ công, nợ xấu, cũng như nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công đã tiến gần ngưỡng 65% GDP. Trong khi đó, nợ xấu và cả nợ xây dựng cơ bản đều chưa được giải quyết triệt để. Thông tin gần đây cho biết, dù Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang tăng tốc xử lý nợ xấu trong tổng số hơn 200.000 tỷ đồng mua lại từ các ngân hàng, nhưng tình hình chưa có nhiều cải thiện. Dự kiến, năm 2017, VAMC sẽ mua thêm 40.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, nhưng mới xử lý được hơn 10.000 tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu tại VAMC vẫn tăng mạnh.

Khi công bố Báo cáo cập nhật và triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 - 2018, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cảnh báo, Chính phủ Việt Nam cần xác định việc mua nợ xấu của VAMC ngừng lại ở mức nào và phải xử lý các khoản nợ đó, nếu không các ngân hàng vẫn tạo ra nợ xấu, bởi họ nghĩ VAMC vẫn tiếp tục mua vào.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh những thách thức, khó khăn mà nền kinh tế đang đối mặt, như thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao; nợ xấu ngân hàng còn lớn; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu chưa căn bản và triệt để…

“Năm 2018, cần tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo và nhấn mạnh, cần tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước, kiểm soát bội chi, bảo đảm nợ công ở ngưỡng an toàn.

Kế hoạch đang được phác thảo, đó là mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ vào khoảng 6,5 - 6,7%.

Tin bài liên quan