Như vậy, đến thời điểm này, có thể khẳng định GDP sẽ tăng trưởng 6,7% năm 2017, một mức cao trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với không ít thách thức. Ðiều này cũng làm tiêu tan mọi lo ngại về khả năng khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP như kế hoạch đã đề ra.
Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp đã làm tốt vai trò các trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao khi 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong lĩnh vực du lịch, 11 tháng qua, tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt khoảng 11,6 triệu lượt người, tăng tới 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất nhập khẩu cũng tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước và xuất siêu khoảng 2,75 tỷ USD.
Ðóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu là lĩnh vực nông nghiệp, khi mục tiêu ban đầu là đạt kim ngạch xuất khẩu 35 tỷ USD được nhìn nhận là đầy thách thức, nhưng năm nay có khả năng đạt con số 36,2 tỷ USD…
Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ rõ, bên cạnh những điểm sáng trên, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức như giải ngân vốn đầu tư công chậm; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn...
Do đó, để tận dụng đà tăng trưởng kinh tế tích cực của năm 2017 phục vụ việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế ngay trong những tháng đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháng 11 là việc xây dựng dự thảo Nghị quyết số 01 năm 2018 theo hướng ngắn gọn, rõ ý, tập trung vào những vấn đề trọng điểm.
Nghị quyết này quy định về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến sẽ được ban hành và triển khai ngay sau phiên thảo luận của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 với các địa phương trên cả nước diễn ra vào ngày 28-29/12 tới.
Ðể giúp nền kinh tế chuyển động tích cực ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể là tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh tình trạng cắt giảm bớt các điều kinh doanh nhưng lại mọc lại giấy phép con. Triển khai hiệu quả các dịch vụ hành chính điện tử, giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dư địa cho tăng trưởng kinh tế dựa vào các yếu tố truyền thống như công nghiệp khai khoáng, chi phí nhân công rẻ… không còn nhiều, quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ là động lực tạo ra dư địa mới bằng việc giải phong sức sản xuất trong dân, tạo nên những đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai dài hạn.