Kiến tạo tương lai “thuận buồm xuôi gió”

Kiến tạo tương lai “thuận buồm xuôi gió”

(ĐTCK) Với chủ đề “Ra khơi thuận buồm, xuôi gió”, các đại biểu tham dự Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016 (Vietnam Summit 2016) diễn ra ngày 3/11 tại TP. HCM đã tập trung thảo luận và đối thoại về các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Theo ông Jons Fasman, Trưởng văn phòng khu vực Đông Nam Á, Tạp chí The Economist, kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực dù đà tăng trưởng tại các thị trường mới nổi đang chững lại.

“Economic Intelligent Unit dự đoán tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm 2016 sẽ vào khoảng 6% và có thể sẽ tăng cao hơn nữa trong năm 2017. Chính sách kinh tế dài hạn và sự ổn định của Chính phủ Việt Nam sẽ tạo sức hút, giúp nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường này tăng mạnh”, ông Fasman nói.

Trước đó một ngày, trong các cuộc tiếp xúc trước hội nghị với các học giả và nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Thủ tướng hy vọng qua Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế sẽ hiểu rõ hơn cơ hội, triển vọng phát triển của Việt Nam, cũng như các chiến lược, chính sách của Chính phủ, trên cơ sở đó có chiến lược đầu tư kinh doanh hiệu quả tại thị trường nội địa.

“Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu sau 30 năm thực hiện Đổi mới. GDP của Việt Nam đã đạt mức 200 tỷ USD năm 2015 và thu nhập bình quân đầu người là 2.100 USD”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng, để đạt được các thành tựu này, Việt Nam đã kiên định thực hiện nhiều chính sách như chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, gỡ bỏ rào cản kinh tế, tận dụng và phát huy nguồn nhân lực, phát triển các thế mạnh. Ngoài ra, Chính phủ đã quyết tâm lấy hội nhập kinh tế quốc tế làm trọng tâm, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận với thế giới và thúc đẩy thương mại, hoàn thiện thế chế kinh tế.

Về kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ Việt Nam mong muốn duy trì sự tăng trưởng hợp lý, khoảng 6,5 - 7%/năm trong vòng 5 năm tới. Theo đó, cùng với việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, gia tăng giá trị thương mại với các đối tác nước ngoài, Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm tới thị trường trong nước, kích thích hoạt động sản xuất nội địa.

Bên cạnh đó, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một trong những mục tiêu quan trọng của quá trình đổi mới kinh tế tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã và đang được tiến hành, thu về những kết quả bước đầu tích cực.

“Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn của Nhà nước để tăng cường hiệu quả cho các doanh nghiệp này nói riêng, nền kinh tế nói chung và quyết tâm đẩy nhanh tiến trình này,” Phó Thủ tướng nói.

Về mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ sẽ minh bạch trong chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong phạm vi pháp luật cho phép để tạo ra sân chơi công bằng, bình đẳng, giúp doanh nghiệp và người dân phát huy hết khả năng của mình trong hoạt động kinh doanh.

“Chính phủ Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích các địa phương thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, tạo môi trường cạnh tranh hiệu quả và kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên sử dụng kỹ thuật cao, đảm bảo vấn đề môi trường, tích cực sử dụng hiệu quả nhân công có tay nghề cao,” ông Minh nhấn mạnh.

Nếu như trước đây, Việt Nam phần lớn dựa vào nguồn nhân công rẻ, thì hiện tại, Chính phủ phải chuyển đổi mô mình, nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động và đặc biệt là sử dụng nhiều tri thức, kỹ thuật hiện đại hơn trong sản xuất.

Tại lĩnh vực nông nghiệp, hiện sức người thực hiện 70% khối lượng công việc. Chính phủ đề ra mục tiêu giảm con số này xuống 40% trong thời gian tới. Để đạt được điều này, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, cần phải nâng cao chất lượng, tăng cường áp dụng kỹ thuật tiên tiến, chuyển dịch nhân công trong lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, phát triển dạy nghề, chuyển đổi từ lao động giản đơn sang lao động công nghệ cao và mở rộng ngành nghề để thu hút thêm lao động

Việt Nam là quốc gia tiềm năng cho DN khởi nghiệp

Kiến tạo tương lai “thuận buồm xuôi gió” ảnh 1

Peter Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital 

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng với lực lượng lao động trẻ, hứa hẹn tương lai tốt đẹp cho đất nước. Theo quan điểm của tôi, Chính phủ mới, với sự quyết đoán của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có thể đưa ra những quyết định thích hợp để khai thác các thế mạnh quốc gia.

Môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam sẽ tốt hơn khi Việt Nam hội nhập vào dòng chảy chung của thế giới thông qua các hiệp định thương mại, cam kết song phương, đa phương. Càng hội nhập, Việt Nam sẽ càng nhận được nhiều lợi ích, cũng như các cơ hội. Tôi phải nhấn mạnh, cơ hội luôn đi cùng với rủi ro, nhưng quan trọng là làm thế nào để Việt Nam khai thác hết lợi thế mà các hiệp định mang lại.

Về vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước, theo tôi, càng tư nhân hóa sẽ càng tốt cho nền kinh tế. Dĩ nhiên, mọi quá trình cải tổ đều cần có thời gian, Chính phủ Việt Nam không thể làm việc này một sớm một chiều. Thay vào đó, Chính phủ cần phải thực hiện lộ trình cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách chắc chắn để giảm thiểu rủi ro.

Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là khi tinh thần khởi nghiệp tại đây rất cao, đặc biệt là trong giới trẻ. Tôi cho rằng, Chính phủ cần nhiều chính sách sáng tạo hơn nữa để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, chẳng hạn xem xét miễn một số loại thuế thích hợp…

Chính phủ thúc đẩy ý tưởng mới về môi trường đầu tư tốt hơn

Kiến tạo tương lai “thuận buồm xuôi gió” ảnh 2

 Ông Võ Quang Huệ, Phó Chủ tịch Eurocham Vietnam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Vietnam

Trong quý vừa qua, EuroCharm đã thực hiện khảo sát trong số hơn 900 thành viên của mình. Theo đó, số đông cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam giai đoạn này, nhất là việc Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định đang được triển khai ở những bước cuối cùng là Hiệp định thương mại tự do EU -Việt Nam (EVFTA). Tôi cho rằng, đây là một trong những yếu tố cơ bản để đẩy mạnh hoạt động thương mại đầu tư giữa các nước thuộc cộng đồng châu Âu và Việt Nam.

Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi rất quan tâm đến thông điệp mới của Chính phủ Việt Nam về “Chính phủ Kiến tạo”. Theo đó, Chính phủ đã xác định rõ việc phải tự chuyển đổi để thúc đẩy ý tưởng mới về một môi trường đầu tư tốt hơn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi có một số kiến nghị cơ bản là cơ sở pháp lý cần phải minh bạch, đổi mới cơ chế hành chính, tăng cường nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng, không chỉ về hạ tầng giao thông, mà còn về hạ tầng công nghệ thông tin, và giảm giá thành sản xuất.

Quá trình cải cách phải nhanh hơn và hiệu quả hơn nữa

Kiến tạo tương lai “thuận buồm xuôi gió” ảnh 3

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng,Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam 

Các thông điệp Chính phủ Việt Nam đưa ra tại Hội nghị cũng là các vấn đề đã được Quốc hội thảo luận và đang được triển khai thực hiện trên toàn hệ thống. Việc thực hiện các thông điệp này thể hiện cam kết cải tổ sâu rộng trong các lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, tài chính, đầu tư công của Chính phủ, qua đó tạo môi trường tốt cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tăng thêm 9 bậc trong bản xếp hạng về môi trường kinh doanh năm 2017 so với năm 2916. Kết quả này ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh ban đầu, đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách phải nhanh hơn và hiệu quả hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Cùng với các nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng, xử lý nợ xấu, bình ổn hoạt động kinh doanh, kiến tạo môi trường khởi nghiệp…, tôi cho rằng, môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn nhiều sau khi Việt Nam tham gia một loạt hiệp định thương mại quốc tế.

Mặc dù đã khá thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, có nhiều ưu thế lớn. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khác cũng cần được Chính phủ xem xét như phương thức tiếp cận nguồn vốn, tăng cường nguồn nhân lực, đất đai, tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân…

Tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang nỗ lực phát triển, do đó, Việt Nam không thể dừng lại, phải nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã đặt ra và cao hơn nữa vào những năm sau.

Tin bài liên quan