Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

(ĐTCK) Năm 2015 bắt đầu với hàng loạt thông điệp cải cách từ Chính phủ. Cùng với những thành tựu quan trọng đạt được trong năm 2014 và cơ hội mới mở ra từ tiến trình hội nhập, đây là tiền đề để Việt Nam kiến tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế đất nước.
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới là “mệnh lệnh” của giai đoạn phát triển mới, khi những động lực tăng trưởng được tạo ra trong chặng đường 30 năm Đổi mới vừa qua đang dần hết dư địa.

Những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng trong năm 2014 với GDP tăng gần 6%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp kỷ lục trong 14 năm trở lại đây (1,84%), xuất khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 150 tỷ USD... và có đến 13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt, vượt kế hoạch cho thấy nền kinh tế đang trên đà hồi phục một cách rõ nét.

Thành tựu ấy càng có ý nghĩa hơn khi năm qua, Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do tác động của kinh tế toàn cầu, sự yếu kém về hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế trong nước cùng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.     

Cùng với đà phục hồi tăng trưởng đó, một không gian kinh tế mới đang được mở ra bằng hàng loạt chính sách mới, được thể hiện trong các đạo luật quan trọng vừa được Quốc hội thông qua. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã thể hiện rõ quan điểm tự do kinh doanh, người dân được kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cũng đã tạo cơ hội để người nước ngoài được sở hữu nhà ở, không chỉ giúp thị trường khởi sắc mà quan trọng hơn, qua đó có thể thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài.

Tiến trình hội nhập quốc tế, với việc trong năm 2015, Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán và ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, EU, Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tạo cơ hội rộng lớn hơn cho Việt Nam trong thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư với các quốc gia thành viên.

Không gian kinh tế của Việt Nam nhờ vậy cũng được mở rộng thêm, vươn tầm khu vực và quốc tế.

Công cuộc cải cách thể chế kinh tế cũng đang tạo những cơ hội để Việt Nam kiến tạo động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, cùng với cơ hội mới, vận hội mới, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, bộc lộ ngày càng rõ ràng hơn đằng sau những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2014.

Vượt qua thách thức của những tác động của vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để tăng trưởng cao nhất trong vòng 3 năm qua, song cũng đã đến lúc phải nhìn nhận một cách rõ ràng hơn về việc cần thiết xây dựng một nền kinh tế tự chủ. Không thể phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác nào và phải xây dựng được một lực lượng doanh nghiệp nội địa đủ mạnh.

Khi giá dầu giảm mạnh, dù có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế do chi phí đầu vào giảm, song dư luận cũng hiểu rằng, đã đến lúc Việt Nam không thể tăng trưởng chỉ dựa vào khai thác tài nguyên đang dần cạn kiệt.

Khi xuất khẩu tăng nhanh nhưng tập trung ở các mặt hàng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao, thì càng hiểu rõ cơ cấu nền kinh tế Việt Nam có những khiếm khuyết cần được bù đắp bằng công cuộc tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế, bằng phát triển mạnh hơn nữa công nghiệp hỗ trợ.

Khi lạm phát thấp, cơ hội được nhìn thấy là phải đẩy nhanh thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, bởi nếu để lâu, sẽ làm méo mó nền kinh tế…

Bởi vậy, nhận chân những yếu kém, tồn tại để tiếp tục cải cách là điều quan trọng và cần thiết hơn cả vào lúc này, khi Việt Nam bước vào năm cuối của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, với mục tiêu tăng trưởng 6,2% và lạm phát 5%, đồng thời chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tin bài liên quan