Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt

Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt

Kiên quyết loại bỏ những ông “vua con”, dân sẽ đặt trọn niềm tin vào Đảng

(ĐTCK) Kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2016), cũng là dịp tưởng nhớ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đi xa 47 năm trước, chúng ta rất tự hào về một Đảng Cách mạng chân chính được Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, tập hợp, lãnh đạo quần chúng làm nên kỳ tích Cách mạng tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam độc lập. 

Song, chúng ta cũng không khỏi xót xa khi niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ đang bị xói mòn, khi những vụ việc nghi chạy chức chạy quyền, các đại án nghìn tỷ, những án oan sai… vẫn hàng ngày, hàng giờ làm nóng dư luận xã hội. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với GS-TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương về công tác xây dựng Đảng trong bối cảnh “công cuộc Đổi mới lần hai” của đất nước đòi hỏi Đảng phải thực sự “trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu” như nhiệm vụ Đại hội XII đã đặt ra.

Kiên quyết loại bỏ những ông “vua con”, dân sẽ đặt trọn niềm tin vào Đảng ảnh 1

GS-TS Hoàng Chí Bảo 

Thưa Giáo sư, có lẽ không cần nhắc lại những câu chuyện buồn, thậm chí đau lòng, xót xa liên quan đến phẩm chất, tư cách cán bộ, đảng viên, thậm chí là cán bộ đảng viên cấp cao mà dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có lẽ vì thế mà càng trở nên nóng bỏng, cấp thiết hơn bao giờ hết, thưa Giáo sư?

Trước hết, phải nhìn nhận rằng, xuyên suốt 86 năm kể từ khi Đảng ra đời, vai trò của Đảng đã được khẳng định một cách thuyết phục bằng thực tiễn lịch sử, khi Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc Đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được bạn bè thế giới đánh giá cao với sự tin cậy và ngưỡng mộ.

Trong suốt hành trình đó, có thể nói, Đảng ta chưa bao giờ xem nhẹ việc tự kiểm điểm, chỉnh đốn để ngày càng lớn mạnh. Trước thực tế một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng suy thoái, xa rời lý tưởng, xa rời nhân dân, công tác xây dựng Đảng có những yếu kém, hạn chế kéo dài, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ, từ Đại hội XI, Trung ương đã có Nghị quyết số 12 (Hội nghị lần thứ 4) về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng, tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, bước đầu củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Đại hội XII tiếp tục xác định, thời kỳ phát triển mới của đất nước đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, và “trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Từ trước đó nhiều thập kỷ, thậm chí từ khi Đảng đang được chuẩn bị các điều kiện để ra đời, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã trù tính “cách mạng trước hết cần có Đảng”, phải xây dựng một đảng cách mạng chân chính, đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng của đất nước, thực hiện đến cùng lý tưởng, mục tiêu của cách mạng là Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội.

Thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi Đảng phải hành động, phải “sửa đổi lối làm việc” 

Giáo sư có thể phân tích rõ hơn vai trò, tư tưởng xây dựng Đảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở giai đoạn trước khi Đảng ra đời?

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này không chỉ đề ra lý luận, học thuyết xây dựng Đảng mà còn là người sáng lập Đảng ta năm 1930. Người đã trực tiếp đào tạo những cán bộ đầu tiên cho Đảng. Rồi bằng uy tín, bản lĩnh của mình, Người trực tiếp chủ trì thành công Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Đảng thành một Đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngay từ những bước đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc chính là quan điểm và thực tiễn xây dựng Đảng của Người, thể hiện tập trung và nổi bật ở tác phẩm “Đường Kách mệnh” Người viết năm 1927.

Người còn trực tiếp soạn Chính cương, Sách lược vắn tắt - được coi như Cương lĩnh đầu tiên của Đảng; khởi thảo Điều lệ Đảng và Thư kêu gọi đồng bào cả nước nhân sự kiện thành lập Đảng. “Đường Kách mệnh” là tác phẩm lý luận đầu tiên truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị cả về tư tưởng, lý luận và tổ chức cho việc thành lập Đảng.

Trong “Đường Kách mệnh”, Người nhấn mạnh, Đảng phải “giữ chủ nghĩa cho vững”, chính là nói về bản lĩnh chính trị; và “người cách mạng, Đảng cách mạng phải ít lòng tham muốn về vật chất”, chính là nói đến đạo đức cách mạng. Nguyễn Ái Quốc còn đưa ra một luận điểm kinh điển, rằng cách mạng là “phá cái cũ, đổi ra cái mới”, “phá cái cũ, lạc hậu, lỗi thời, xây cái mới tiến bộ, phát triển”. Đây là tư tưởng cách mạng và đổi mới được Người vận dụng vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam khi đó.

Người cũng nhấn mạnh, Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt, mà chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Mác- Lênin. Cách mạng phải đến nơi, tức là triệt để, theo gương cách mạng Nga của Lênin.

Những luận điểm đó chính là nền tảng, là cái gốc tư tưởng xây dựng Đảng của Bác, luôn chú trọng lý luận cách mạng, đạo đức cách mạng, coi trọng dân chủ, đổi mới. Tư tưởng đó xuyên suốt quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Đảng, lãnh đạo cách mạng cũng như trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp xây dựng Đảng sau này.

Từ cái gốc đó, nền tảng đó, tư tưởng của Bác về xây dựng Đảng được thể hiện trong các giai đoạn cách mạng sau này như thế nào, thưa Giáo sư?

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng được Người thể hiện trong nhiều tài liệu, nhiều bài nói, bài viết, ở những bối cảnh, điều kiện cụ thể khác nhau. Nhưng tôi muốn nhắc đến một tài liệu, là cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1947 (ký tên Z.Y.Z). Đây là tài liệu hội tụ đầy đủ, toàn diện nhất những tư tưởng rất mới, rất sâu của Bác về xây dựng Đảng. Người còn tóm lược những quan điểm xây dựng Đảng cơ bản nhất vào 12 điều về xây dựng Đảng chân chính cách mạng, gói gọn trong 456 chữ và nhắn nhủ rất giản dị rằng: “Muốn cho Đảng được vững bền/ Mười hai điều ấy chớ quên điều nào”.

Nó không chỉ là sự tiếp nối tư tưởng của Bác về xây dựng Đảng, mà còn được coi như một bản cương lĩnh, một chủ thuyết về xây dựng Đảng, với những quan điểm, những định hướng cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, ở góc độ tư duy và tư tưởng của Người thì “Sửa đổi lối làm việc” còn là văn kiện về Đổi mới trong điều kiện Đảng đã cầm quyền. Người chọn đổi mới Đảng là đầu tiên, trong đó lại coi trọng trước hết về đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo của Đảng, thể hiện ở cách Người dùng chữ “lối”, và trong sách, Người viết rõ là: “Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”. “Lối” ở đây là phương pháp, cách thức lãnh đạo, cầm quyền, coi đây là khâu đột phá như cách nói của chúng ta hiện nay.

Thưa Giáo sư, tính “cương lĩnh” về tư tưởng xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” thể hiện ở những điểm nào?

Bằng tất cả sự am hiểu về Đảng của người sáng lập Đảng, bằng sự trải nghiệm thực tế của người gây dựng phong trào cách mạng từ những ngày trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt nêu lý luận, nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng Đảng, một mặt đã chỉ đúng, chỉ trúng những “bệnh” (từ dùng của Người) của tổ chức Đảng,  của đảng viên, của cán bộ lãnh đạo, thể hiện trong công việc, ở mối quan hệ trong Đảng, mối quan hệ giữa tổ chức Đảng, đảng viên với quần chúng nhân dân, đồng thời nêu cách thức khắc phục, chữa những “bệnh” đó.

Người nhấn mạnh “tính Đảng” của mỗi cán bộ đảng viên. Đó là “vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng”.

Người nhấn mạnh đến vai trò của lý luận và đem lý luận áp dụng vào thực tiễn, bởi “không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi dẫn đường. Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”; “lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông”.

Trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng, Nghị quyết Đại hội XII nêu nhiệm vụ số 1 là “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị” và nhiệm vụ thứ 2 là “Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận”. Đó cũng chính là những luận điểm lớn, nguyên tắc lớn về xây dựng Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trước đây.

Bên cạnh đó, Người còn nói về “khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi”. Rằng, bệnh này rất nguy hiểm, nhiều cán bộ, đảng viên còn mắc phải. Mà hậu quả của nó là, “trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, bệnh hủ hóa… đều do bệnh hẹp hòi mà ra”.

Thưa Giáo sư, thời gian qua, Đảng ta nói tới “lợi ích nhóm”, phải chăng đó chính là điều được Bác nói đến ở “bệnh hẹp hòi”, “kéo bè kéo cánh”, rằng “có những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình”?

Đúng như thế. Người chỉ rõ rằng, vì ham danh vọng và địa vị, cho nên “khi phụ trách bộ phận nào thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa ai thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết bộ phận mình mà quên Đảng. Đó là một thứ bệnh, hẹp hòi trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống nhất của Đảng”.

Người cũng nhìn thẳng vào thực tế: “Từ trước đến nay, vì bệnh hẹp hòi mà có những sự lủng củng giữa bộ phận và toàn cuộc, đảng viên với Đảng, cán bộ địa phương và cán bộ phái đến, (…), cán bộ mới và cán bộ cũ, cơ quan này và cơ quan khác…”.

Người nói, kéo bè kéo cánh “là một bệnh rất nguy hiểm”. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống.

Người chỉ rõ hậu quả: Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ.

Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ nhấn mạnh rằng, “chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước”. Thưa Giáo sư, có phải khi nói về việc chữa trị căn bệnh quan liêu, xa dân, thậm chí coi thường người dân tại hội nghị về công tác dân vận tháng 5/2016 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nhắc lại bài học này?

Nguyễn Trãi - nhà tư tưởng lỗi lạc trong lịch sử nước ta, từ thế kỷ XV đã đúc rút một chân lý sâu sắc rằng, thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể “chở thuyền”, nhưng nước cũng có thể “lật thuyền”.

Vai trò của nhân dân đối với vận mệnh đất nước, với sự nghiệp cách mạng đã được khẳng định hùng hồn trong suốt chiều dài lịch sử. Mối liên hệ mật thiết với nhân dân được Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh tại Đại hội XII. Nghị quyết Đại hội XII nêu 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh phải xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa, phải “tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”.

Phải bổ sung nhiệm vụ dân vận trong công tác xây dựng Đảng, bởi thực trạng cán bộ xa dân ngày càng trầm trọng. Tại hội nghị về dân vận mà anh vừa nêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thậm chí phải dùng đến từ những “ông vua con” khi nói về những cán bộ xa dân, coi thường dân, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân, thậm chí còn ăn chặn của dân. Đảng biết nhìn thẳng vào khuyết điểm, kiên quyết loại bỏ những ông “vua con” đó, nhất định dân sẽ đặt trọn niềm tin vào Đảng.

Tôi muốn nói thêm rằng, chính trong cuốn “Sửa đối lối làm việc”, Bác đã chỉ rõ, những cán bộ đó đã quên rằng, “so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”.

Thưa Giáo sư, so với Đại hội XI, Đại hội XII đặt nhiệm vụ “đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” là một trong hai nhiệm vụ mới trong công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh yếu tố cơ chế, cái gốc của vấn đề này phải chăng là công tác cán bộ?

Bác Hồ đã cảnh báo sớm về tình trạng này trong cuốn Sửa đổi lối làm việc. Người nhắc đến những cán bộ đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, chỉ “tự tư tự lợi”. Bác chỉ đích xác, đó là những người “dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Họ sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào”.

Ngày nay, tình trạng một số cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội vẫn tiếp diễn và thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá rằng, đó là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất. Những cán bộ đó tuy không phải là phổ biến nhưng hành vi, hậu quả gây ra thì rất nghiêm trọng, làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng.

Chính vì thế, Đại hội XII đặt ra yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chống tham nhũng, lãng phí; yêu cầu xác lập cơ chế để cán bộ không thể tham nhũng, với những trường hợp đã xảy ra tham nhũng thì phải xử thật nghiêm để không ai dám tham nhũng.

Nhìn vào những đại án mà Trung ương đang chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo pháp luật, cơ quan chức năng đã và đang xét xử, có thể nói, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện tinh thần nói thẳng, làm thực để góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm chính; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Thưa Giáo sư, thực tế là thời nào, bối cảnh xã hội nào cũng không tránh khỏi có những cá nhân tư lợi, những “sâu mọt của xã hội”. Vấn đề là cách nhìn nhận và cách xử lý vấn đề này như thế nào?

Tôi muốn dẫn ra đây cách Bác Hồ chỉ ra khuyết điểm, sai lầm của Đảng, của cán bộ, đảng viên và cách phê bình trong Đảng, có thể làm rõ câu hỏi của anh.

Thẳng thắn chỉ ra những “bệnh”, những khuyết điểm mà cán bộ, đảng viên mắc phải, Người đặt câu hỏi: “Khuyết điểm đâu mà nhiều thế?”.

Và Người lý giải từ thực tiễn: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa”.

Người cũng nhắc nhở, nhìn thấy khuyết điểm, sai lầm, nhưng “không vì thế mà kinh sợ. Ta đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa”. Người nhận xét thẳng thắn: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Với đảng viên, Người cho rằng, phải “thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”.

Với chính sách của Đảng, thì Đảng phải luôn xem xét “những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông và còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.

Về thái độ đối với khuyết điểm, sai lầm, Bác cũng phân tích rất khoa học. Có người cho rằng, trong Đảng việc gì cũng tốt, không có khuyết điểm gì đáng lo; lại có người cho rằng: trong Đảng cái gì cũng kém, đầy những khuyết điểm, từ đó mà bi quan, thất vọng. Theo Bác, cả hai thái độ đó đều không đúng.

Người chỉ rõ: “Sự thật là, Đảng ta rất tiên tiến, rất vẻ vang. Nhưng nội bộ vẫn còn những sai lầm và khuyết điểm. Đồng thời, chúng ta thấy cái nguồn gốc của những sai lầm khuyết điểm đó, và chắc tìm được cách sửa chữa. Chúng ta quyết tâm công tác thêm, để làm cho Đảng tiến bộ thêm mãi”.

Đó cách tiếp cận đúng đắn, khách quan, công tâm mà chúng ta phải học hỏi, nhất là trong quá trình đấu tranh loại bỏ cái xấu, nuôi dưỡng cái tốt, vì mục tiêu xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, xây dựng đội ngũ đảng viên có năng lực, có đạo đức cách mạng.

Có thể nhìn thấy sự liên hệ như thế nào từ cuốn “Đường Kách mệnh” tới cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, cho đến những chủ trương, Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà các kỳ Đại hội, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành, thưa Giáo sư ?

Đó là một dòng chảy xuyên suốt, dòng chảy tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng. Cốt lõi của tư tưởng ấy có thể thấy ở tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Đó là những chỉ dẫn thực hành dân chủ trong Đảng và nuôi dưỡng mối quan hệ với quần chúng nhân dân; không lý tưởng hóa, ngợi ca thành tựu một chiều; không né tránh sự thật, dám nhìn thẳng vào sai lầm, khuyết điểm trong nội bộ Đảng và sai lầm, khuyết điểm trong quan hệ với quần chúng, từ đó mà tự phê bình và phê bình thực chất, thực lòng, giúp nhau sửa chữa, cùng nhau tiến bộ. Một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh là: phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng, Đảng thực thi trọng trách lãnh đạo của mình một cách khoa học, dân chủ và nêu gương.

Tư tưởng bao trùm của tác phẩm chính là thực hành đạo đức cách mạng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Chỉ thị 05-CT/TW được Bộ Chính trị ban hành sau Đại hội XII về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thấy, Đảng ta đã tiếp cận tư tưởng xây dựng Đảng của Người với nội hàm mới, toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi Đảng phải hành động, phải “sửa đổi lối làm việc”, làm được điều đó, nhất định Đảng sẽ trong sạch, vững mạnh, sẽ nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ngang tầm nhiệm vụ; nhân dân sẽ đặt trọn niềm tin son sắt vào Đảng; sự nghiệp cách mạng nhất định sẽ thành công.

Tin bài liên quan