Kiên quyết không lùi bước, Chính phủ “thúc” nền kinh tế đạt mục tiêu

Kiên quyết không lùi bước, Chính phủ “thúc” nền kinh tế đạt mục tiêu

(ĐTCK) “Sau 6 tháng tăng trưởng âm, tháng 7 vừa qua lĩnh vực nông nghiệp đã phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với không ít thách thức…”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra chiều tối ngày 2/8.

Nông nghiệp phục hồi, nhưng thách thức vẫn lớn

Người phát ngôn Chính phủ cho biết, trong tháng 7 vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp phục hồi tăng trưởng trở lại sau 6 tháng tăng trưởng âm.

Liên quan đến diễn biến phục hồi tăng trưởng của ngành nông nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP trong những tháng còn lại của năm nay, tại diễn đàn Quốc hội mới đây, tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tình hình tăng trưởng âm của khu vực nông nghiệp có tác động của biến đổi khí hậu trong 6 tháng đầu năm diễn ra hết sức khắc nghiệt.

Đối tượng tổn thương lớn nhất là các sản phẩm trồng trọt, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là sản lượng lúa bị giảm 1,3 triệu tấn ở đồng bằng sông Cửu Long. Chính điều này đã làm cho GDP của khu vực nông nghiệp giảm. Còn lại 2 khu vực khác là khu vực lâm nghiệp thì vẫn tăng trưởng 5,6% và khu vực thủy sản tăng nhẹ 1,2%.

“Giải pháp từ nay đến cuối năm là tập trung thúc đẩy một số lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng. Trong đó tập trung sản xuất thủy sản, chăn nuôi... Về lúa, tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích thu đông đến ngưỡng cho phép. Năm nay dự kiến đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển 867 nghìn hecta, ước vượt so với năm ngoái 37 nghìn hecta, qua đó góp phần phục hồi tăng trưởng nông nghiệp…”, ông Cường cho hay.

Một tín hiệu tích cực nữa trong tháng 7, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là việc giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, khi tăng đáng kể so với tháng 6/2016… Tuy nhiên, nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, nên nhiệm vụ còn lại của năm nay nặng nề. 

“Thúc” nền kinh tế bằng nhiều giải pháp

“Khó khăn là vậy, nhưng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, không điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế đã được Quốc hội phê duyệt, phấn đấu đạt ở mức cao nhất...”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu trên, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ trưởng, các trưởng ngành: yêu cầu các thành viên Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của năm 2016; cần có chuyển biến rõ nét trong giải ngân đầu tư công; bảo đảm thu ngân sách nhà nước vượt dự toán ít nhất 10%; quyết liệt chống thất thu, nợ đọng thuế; kiểm soát chặt chẽ nợ công… Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thủy sản theo đà tăng của tháng 7; phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu tăng trưởng ngành. Tập trung chỉ đạo bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất…

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí thực hiện. Tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Khuyến khích khởi nghiệp, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

“Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương phải làm tốt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Nghị quyết 60 và các chỉ đạo của Thủ tướng. Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh…”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Để hỗ trợ cho phát triển sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.            

Liên quan đến quan ngại nợ xấu của khối ngân hàng tăng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 5/2016 là 2,78%, dưới 3% theo mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra và vẫn ở mức này  vào cuối trước.

Trong năm nay, xử lý nợ xấu tiếp tục là trọng tâm trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Với các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, thì phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước phương án xử lý nợ xấu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ để mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tránh phát sinh nợ xấu mới.

Tin bài liên quan