Kiến nghị thu mỗi khách du lịch 1 USD

Ngoài ngân sách, nhiều ý kiến đề xuất bổ sung cho quỹ phát triển du lịch nguồn thu từ du khách.

Trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua ngày 19/6 tới, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi vẫn được bàn thảo sôi nổi, đặc biệt về quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Kiến nghị thu mỗi khách du lịch 1 USD ảnh 1

5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đón 5,3 triệu lượt khách quốc tế đến. Ảnh: Crossing Travel. 

Theo dự thảo, quỹ được hình thành từ vốn do Nhà nước cấp (khoảng 300 tỷ), nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện và các nguồn thu hợp pháp khác. Mục đích của quỹ là xúc tiến du lịch, hỗ trợ nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, bồi dưỡng nhân lực và truyền thông du lịch trong cộng đồng.

Tại tọa đàm về dự thảo cuối tuần trước, nhiều ý kiến cho rằng nội dung về quỹ còn chung chung, cần làm rõ hơn mục đích thành lập, xác định nhiệm vụ chính, cơ quan nào quản lý và vận hành, cụ thể hơn về nguồn thu.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết: “Nội dung hoạt động của quỹ chủ yếu là xúc tiến du lịch. Để tồn tại nó phải thỏa mãn 2 vấn đề, một là làm sao để thu được quỹ và nguồn cung cấp cho quỹ là ở đâu, hai là quản lý quỹ đó như thế nào”.

Theo ông Phạm Mạnh Cương, Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, hiện nay ngân sách dành cho xúc tiến du lịch của Việt Nam trung bình 2 triệu USD/năm, bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia.

Nhiều quốc gia, điểm đến trên thế giới đã áp dụng thu phí, thuế đối với khách du lịch, một phần để dành cho hoạt động xúc tiến du lịch của nơi đó.

Ông Cường dẫn chứng như Mỹ thu 14 USD (trong đó 10 USD cho xúc tiến) một khách được miễn visa; Osaka, Nhật Bản thu 100 - 200 yen (khoảng 20.000 - 40.000 đồng) với một đêm lưu trú (tùy từng loại phòng)...

Sắp tới, một loạt quốc gia như Malaysia, Myanmar, Osaka (Nhật Bản), các nước châu Âu sẽ đồng loạt áp dụng thuế đối với khách du lịch dựa trên số đêm lưu trú, dựa trên từng hạng khách sạn tại quốc gia đó. Như Áo là 0,15 - 2,18 euro, Bỉ là 5,53 - 2,5 euro, Pháp là 1,2 - 4 euro... một khách mỗi đêm.

Do đó, ông Cương đề xuất bổ sung thêm “nguồn thu từ khách du lịch” trong dự thảo Luật Du lịch sửa đổi.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô cho rằng cần áp dụng các kinh nghiệm trên thế giới về việc đưa đóng góp của khách du lịch vào Quỹ (dưới dạng phí hay thuế) do doanh nghiệp thu hộ nhà nước.

Cần áp dụng các kinh nghiệm trên thế giới về việc đưa đóng góp của khách du lịch vào Quỹ (dưới dạng phí hay thuế) do doanh nghiệp thu hộ nhà nước.   

- Ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô 

Xác định xúc tiến là nhiệm vụ chính của quỹ, ông Đài đề nghị cần phải quản lý quỹ công khai, dân chủ, minh bạch và phải có sự tham gia của Hiệp hội trong việc quản lý, giám sát hoạt động của quỹ.

Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được đề cập trong Luật Du lịch 2005, nhưng theo ông Bình, mới dừng ở mở ra mà chưa chỉ ra được nguồn của quỹ như thế nào.

"Các nước trong khu vực đã thực hiện thu mỗi khách lưu trú qua đêm 1 USD, họ có quỹ lớn mà không làm gia tăng giá của phòng, hay ảnh hưởng đến các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, việc đưa ra đề nghị như vậy không dễ vì vi phạm Luật phí và lệ phí", ông Bình trăn trở.

Tin bài liên quan