Khả năng lạm phát tăng cao đột biến trong các tháng còn lại của năm khó có thể xảy ra

Khả năng lạm phát tăng cao đột biến trong các tháng còn lại của năm khó có thể xảy ra

Kiểm soát chặt CPI cuối năm

(ĐTCK) Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2016, theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát với mức tăng 2,07% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, CPI tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8. 

Như vậy, tính bình quân 9 tháng đầu năm 2016, chỉ số CPI tăng 0,34% so với cùng thời gian năm ngoái, mức tăng được Tổng cục Thống kê đánh giá là khá thấp, thể hiện việc kiểm soát lạm phát tốt và theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Cụ thể, theo số liệu thống kê, trong rổ hàng hóa tính CPI, có 10 nhóm hàng hoá chính tăng giá, cao nhất là nhóm giáo dục với mức tăng 7,19%; riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%, góp phần kéo giảm mức tăng của CPI trong tháng 9. Theo Tổng cục Thống kê, bắt đầu từ tháng 9, đồng loạt 53 tỉnh thành trên cả nước tăng học phí theo nghị định của Chính phủ, khiến nhóm này đóng góp 0,42% vào mức tăng chung.

Nhóm giao thông tăng cao thứ hai với mức tăng 0,55% do nhiều lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Theo đó, với việc điều chỉnh tăng liên tiếp trong 2 đợt gần đây vào ngày 19/8 và 5/9, giá xăng bán lẻ đã tăng tổng cộng 1.380 đồng/lít, giá dầu diezel tăng 720 đồng/lít. Đây là mức tăng khá lớn trong bối cảnh các DN đang bắt đầu ráo riết thực hiện các đơn hàng để hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm nên có tác động đáng kể tới sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cùng với giá bán lẻ xăng dầu tăng lên, từ đầu tháng 9, giá gas cũng được điều chỉnh tăng do giá nhập khẩu tăng khiến chỉ số giá mặt hàng này tăng 0,31% so với tháng trước, góp phần làm tăng đáng kể trong mức tăng chung của chỉ số CPI tháng 9. Tính chung trong 9 tháng đầu năm nay (đến ngày 15/9), giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh 7 đợt tăng, quý II/2016 tăng 1,1% và quý III/2016 tăng 6,5% so với quý trước.

Ngoài ra, một số nguyên nhân chủ quan khác khiến giá CPI tăng mạnh, như hợp đồng xuất khẩu 150.000 tấn gạo cho Philippines khiến giá lúa gạo trong nước hồi phục sau một thời gian dài giảm sút.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), năm nay Chính phủ đặt mục tiêu CPI tăng 5%, trong khi CPI 9 tháng đầu năm là 3,14%, như vậy vẫn còn dư địa để đạt mục tiêu của Chính Phủ. Những năm gần đây, Chính phủ điều hành theo hình thức kiềm chế lạm phát, nhất là các mặt hàng có sự quản lý của nhà nước.

Bà Ngọc lấy ví dụ, trong tháng 8, Tổng cục Thống kê tư vấn cho Bộ Y tế chỉ điều chỉnh giá dịch vụ y tế ở 16 tỉnh thành, các tỉnh khác điều chỉnh theo lộ trình để phù hợp với việc tăng học phí và nhiều mặt hàng tiêu dùng trong tháng 9.

Với cách điều hành chủ động và linh hoạt này, bà Ngọc cho rằng, khả năng lạm phát tăng cao đột biến trong các tháng còn lại của năm sẽ khó có thể xảy ra.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá vẫn thận trọng cảnh báo, từ nay tới hết năm 2016, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI, đó là giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm.

“Trong thời gian từ nay đến cuối năm, theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công có một số yếu tố sẽ làm tăng CPI, như giá dịch vụ y tế sẽ điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 37/TTLT- BYT-BTC vào tháng 8, tháng 10, tháng 11, tháng 12. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục cũng điều chỉnh vào tháng 9. Ngoài ra, một yếu tố có tác động rất lớn là giá lương thực, thực phẩm có thể tăng vào cuối năm do nhu cầu xã hội tăng vào dịp lễ tết, nhất là dịp Tết nguyên đán. Cùng với đó, nhiều mặt hàng đầu vào các ngành sản xuất vẫn tiềm ẩn khả năng có thể tăng giá trở lại, như sắt thép, xăng dầu… Đây là những yếu tố tiềm ẩn gây sức ép làm tăng CPI trong thời gian từ nay tới cuối năm, do đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương theo dõi sát diến biến giá cả và thị trường để có những biện pháp điều hành kịp thời nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là 5%”, bà Thủy khuyến nghị.

Cũng theo bà Thủy, Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điểu chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI. Theo đó, Tổng cục Thống kê đề xuất trong trường hợp cần thiết chỉ nên điều chỉnh giá dịch vụ y tế 2 đợt vào tháng 8, tháng 10, các đợt còn lại có thể linh hoạt chuyển sang điều chỉnh trong năm 2017 để giảm bớt sức ép tăng giá.

Tin bài liên quan