Khu vực nhà nước cần nhỏ lại để khu vực tư nhân lớn lên

Khu vực nhà nước cần nhỏ lại để khu vực tư nhân lớn lên

(ĐTCK) Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sẽ là tích cực khi sự chuyển dịch các nguồn lực phát triển của nền kinh tế theo hướng chuyển từ khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực kinh tế tư nhân, từ phi chính thức sang chính thức.

Liên quan đến các định hướng thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đã được đề cập tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ góc nhìn về những giải pháp cần triển khai để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống, qua đó “làm lớn” khu vực kinh tế tư nhân. 

Ông có nhìn nhận gì về sự vận động của nền kinh tế trong quá trình dịch chuyển các nguồn lực phát triển từ khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực kinh tế tư nhân?

TS. Nguyễn Đình Cung 

Sẽ là tích cực khi sự chuyển dịch các nguồn lực phát triển của nền kinh tế theo hướng chuyển từ khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực kinh tế tư nhân, từ phi chính thức sang chính thức. Tuy nhiên, thực tiễn lại chưa vận động rõ nét theo xu hướng tích cực này. Trong khi đó, muốn nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thì khu vực kinh tế nhà nước cần nhỏ đi, ngược lại khu vực kinh tế tư nhân cần lớn lên.

Phải chăng, sự chèn lấn của khu vực doanh nghiệp nhà nước khiến doanh nghiệp tư nhân chậm lớn?

Hiện kinh tế nhà nước, mà cụ thể là doanh nghiệp nhà nước còn lớn, nhất là trên khía cạnh thâm dụng vốn, nên không chỉ tác động tiêu cực đến sự phát của doanh nghiệp tư nhân, mà còn không có lợi cho kinh tế nhà nước.

Hoạt động trong cơ chế thị trường, thì doanh nghiệp phải cố gắng mua rẻ nhất. Thế nhưng, ứng xử của doanh nghiệp nhà nước đang là mua đắt, bán rẻ, đặc biệt là trong đầu tư, nên có những dự án đội vốn lên 2 - 3 lần, thời gian thi công kéo dài nhiều năm, công nghệ kém…

Trong không ít lĩnh vực, đầu tư của khu vực tư nhân chỉ bằng 1/2 giá trị của một dự án đầu tư có cùng tính chất, cùng ngành nghề mà doanh nghiệp nhà nước đầu tư. Khi giá đầu tư cao dẫn đến thua lỗ, thì Nhà nước lại thường đứng ra bảo hộ, nên tạo ra sự méo mó trên thị thường, đồng thời nền kinh tế phải gánh chi phí lớn của doanh nghiệp nhà nước.

Số liệu thực tế cho thấy, ở đâu ít có doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn tại khu vực Bắc Trung Bộ, thì mức độ tập trung vốn thấp, năng suất lao động cao. Ngược lại, ở Đồng bằng sông Hồng có nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động, mức độ tập trung vốn rất cao, năng suất lao động thấp. Điều này thể hiện tính kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, chi phí kinh doanh ở mức cao, trong đó đáng chú ý là lãi vay ngân hàng. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp tư nhân nội địa khó lớn, thưa ông?

Nhìn về quá khứ, cho đến năm 2006, kinh tế tư nhân phát triển khá ngoạn mục. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, tình trạng doanh nghiệp vay vốn nhiều với lãi suất cao đã làm hao mòn tài chính của doanh nghiệp, làm suy giảm đà phát triển của kinh tế tư nhân. Tình trạng này đến nay vẫn chưa được phục hồi, nên cần có giải pháp để hỗ trợ cho kinh tế tư nhân lấy lại phong độ phát triển như giai đoạn trước năm 2006.

Theo ông, cách nào để giảm các loại chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp?

Việc đầu tiên là các quy định pháp lý về khởi nghiệp phải thông thoáng, kích thích người dân khởi nghiệp, hình thành làn sóng hồ hởi kinh doanh. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh đối với người dân, doanh nghiệp phải được triển khai quyết liệt trên thực tế, để tiếp sức cho họ hứng khởi trong khởi nghiệp, mở rộng sản xuất - kinh doanh với chiến lược làm ăn dài hạn. Hiện nhiều doanh nghiệp “ăn xổi” do môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, quyền tự do kinh doanh chưa được đảm bảo chắc chắn.

Vấn đề đáng quan tâm tiếp theo là phải cải cách môi trường kinh doanh để giảm chi phí cho doanh nghiệp, mà trước hết là giảm mặt bằng lãi suất. Nguồn vốn tài trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp chủ yếu trông đợi vào hệ thống ngân hàng. Vừa rồi, các ngân hàng nói giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay, nhưng chưa thấy tác động trên thực tế.

Quy mô tín dụng cho doanh nghiệp vay hiện nay cỡ 200 tỷ USD, nên nếu đúng là giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất như các ngân hàng nói, thì giảm cho doanh nghiệp được khoảng 10 tỷ USD, đây là một con số lớn, thế nhưng trên thực tế không thấy tác động rõ nét.

Mặt bằng lãi suất ở Việt Nam cao do chúng ta đặt mục tiêu lạm phát khá cao, trong khi định hướng trong điều hành lãi suất tiền gửi là phải đảm bảo thực dương.

Nguồn vốn cho vay của hệ thống ngân hàng chủ yếu phụ thuộc vào huy động trong dân, nên nếu lãi suất thấp như nhiều nước, thì các ngân hàng khó huy động vốn, dẫn đến đối mặt với rủi ro thanh khoản. Điều này cộng với chi phí xử lý nợ xấu cao, sức ép duy trì lợi nhuận cho các ngân hàng để tái đầu tư…, khiến mặt bằng lãi suất khó ngang bằng như các nước.

Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI về chi phí sản xuất, nhất là chi phí về vay vốn, do mặt bằng lãi suất mà các doanh nghiệp FDI phải trả thấp hơn ít nhất một nửa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI tiếp cận để vay vốn dễ hơn nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam.

Liên quan đến tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, cần tính toán cách thức giảm phí công đoàn, bảo hiểm…

Là người có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và theo dõi áp dụng Luật Doanh nghiệp, theo ông, ngoài yếu tố pháp lý, cần thêm những yếu tố nào để tiếp sức cho kinh tế tư nhân phát triển?

Dù không muốn, nhưng thực tiễn khách quan cho thấy, tranh chấp trong kinh doanh thường xảy ra. Khi đối mặt với thực tế không mong muốn này, điều người kinh doanh mong mỏi là cơ chế pháp lý, cũng như cách thức tổ chức giải quyết tranh chấp phải thực sự công bằng, minh bạch, hiệu quả (tốn ít tiền và ít thời gian). Mong mỏi này của người kinh doanh đặt ra trong bối cảnh tòa án hiện chưa phải là địa chỉ tin cậy trong giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp.

Cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, nếu chỉ dừng lại ở thông thoáng, đơn giản hóa trong các quy định pháp lý thì chưa đủ, mà điều quan trọng là phải có sức ép và kỷ luật để thúc đẩy đội ngũ cán bộ, công chức thi hành công vụ theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp, chứ không phải nhũng nhiễu, vòi vĩnh.

Chúng ta cần những cán bộ quản lý nhà nước có tâm, có tầm, luôn nêu cao trách nhiệm, trăn trở trong tìm hướng mới nhằm giải phóng sức sản xuất - kinh doanh trong dân, để thúc đẩy và lan tỏa kinh doanh lành mạnh, chân chính, qua đó có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Có như thế mới nâng đỡ được khu vực kinh tế tư nhân trong nước lớn dần.

Tin bài liên quan