Không thông quan tại Hải Phòng chịu phí cao hơn gần 10 lần: Hải Phòng muốn tận thu?

Quy định “thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng” từ ngày 1/1/2017 dành cho các doanh nghiệp không làm thủ tục thông quan và nộp các loại thuế đầu vào tại TP. Hải Phòng mà quận Hải An vừa thông báo đang để lại nhiều ý kiến trong cộng đồng doanh nghiệp và được cho là đi ngược lại với tinh thần kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp đang được Chính phủ xây dựng.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Không thông quan tại Hải Phòng chịu phí cao hơn gần 10 lần

Cụ thể, theo Thông báo số 1548/TB-UBND của quận Hải An, Hải Phòng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan phải nộp phí khoảng 2,2 triệu đồng/container 20 feet hoặc 4,8 triệu đồng/container 40 feet.

Tuy nhiên nếu chọn cách thông quan, nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… ngay tại các cảng của TP. Hải Phòng thì mức phí chỉ là 250.000 đồng/container loại 20 feet và 500.000 đồng/container loại 40 feet.

Như vậy, chênh lệch giữa 2 mức thu là gần 10 lần.

Bình luận sự chênh lệch này, một doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất nhập khẩu cho hay, mục đích của việc áp dụng loại phí mới này cho thấy quyết tâm tận thu về phí và thuế.

TP. Hải Phòng tự ý thu thêm các khoản phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng là không hợp lý.

- Các doanh nghiệp.

“Căn cứ theo nghị định số 120/2016/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật phí và lệ phí, Thông báo 1548/TB-UBND phải được Bộ Tài chính tiếp nhận, thẩm định và có văn bản trước khi ra quyết định”, đại diện doanh nghiệp nói và cho hay, căn cứ để TP. Hải Phòng áp dụng việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố là chưa rõ ràng.

Nếu các cảng biển do Nhà nước đầu tư thì doanh nghiệp đã phải nộp các phí dịch vụ tại cảng theo quy định hiện hành.  Còn nếu do tư nhân đầu tư thì nhà đầu tư cũng đã trả tiền thuê đất, mặt nước và khi hoạt động cũng đã thu các loại phí dịch vụ theo quy định hiện hành hay đóng thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách.

“Chưa kể, cơ sở hạ tầng của cảng là do các nhà đầu tư thực hiện đầu tư, nên TP. Hải Phòng tự ý thu thêm các khoản phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng là không hợp lý”, các doanh nghiệp bức xúc.

Làm khó doanh nghiệp

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu đang bị vướng với quy định này cho hay, hiện nay hàng hóa của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu mua về căn cứ theo giá FOB, do vậy các doanh nghiệp này đang phải thuê tàu vận chuyển hàng hóa về cảng Hải Phòng. Khi tàu về đến cảng Hải Phòng, thông qua hãng tàu, các doanh nghiệp phải nộp đầy đủ các loại phí như phí hoa tiêu, phí lai dắt, phí cầu cảng, phí sử dụng hạ tầng, phí bốc xếp nâng hạ hàng hóa, phí lưu kho tại bến bãi trong cảng.

Sau khi hàng hóa được hoàn tất các thủ tục hải quan để chuyển đi, các doanh nghiệp vận tải cho các doanh nghiệp nhập khẩu đã phải nộp các loại phí như phí bảo trì đường bộ, phí cầu đường… và tất cả các loại phí đó đều được tính vào giá dịch vụ của các doanh nghiệp vận tải áp dụng cho khách hàng.

“Tất cả các loại chi phí này đều được đưa vào cơ cấu giá của sản phẩm bán ra. Bởi vậy, việc đặt thêm mức phí mới từ địa phương đồng nghĩa với đẩy doanh nghiệp vào thế phải gia tăng chi phí một cách bất hợp lý”, đại diện nhiều doanh nghiệp cho hay.

Thực tế mức phí quy định trong thông báo này đã có sự phân biệt giữa hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường và hàng hóa gửi kho ngoại quan phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến sự không bình đẳng về mức thu lệ phí đối với các doanh nghiệp, không tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính Phủ tại nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 về hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển đến năm 2020, Nghị quyết 10/NQ-CP ngày 28/04/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến 2020.

Về vĩ mô, việc phân biệt đối xử giữa hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu tại cảng Hải Phòng với những hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan tại Hải Phòng sẽ tạo ra sự mất cân đối về thu ngân sách tại các địa phương trên một vùng, miền. Tình trạng này nếu không chấm dứt ngay sẽ dẫn tới việc thu ngân sách xuất nhập khẩu tập trung chủ yếu tại các địa phương có cảng biển.

“Việc này dẫn đến tình trạng, hàng hóa dồn vào các cửa khẩu có cảng biển, gây ra quá tải, ùn tắc, khiến thời gian làm các thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa kéo dài thêm, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp”, là tâm trạng lo lắng của doanh nghiệp trước quyết định thu phí từ phía quận Hải An, TP. Hải Phòng.

Chưa kể việc làm của TP. Hải Phòng sẽ tạo ra tiền lệ để các tỉnh có cửa khẩu và cảng biển đưa ra các quy định tương tự về việc thu các loại phí và lệ phí mới khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, các tỉnh không có cửa khẩu và cảng biển do thâm hụt nguồn thu sẽ có xu hướng để đưa ra các loại phí mới để bù đắp nguồn thu, cũng sẽ tạo ra áp lực và sức ép về chi phí đối với doanh nghiệp.

Việc không đồng nhất về các mức phí giữa các địa bàn sẽ tạo ra tâm lý không tốt đối với các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Chính điều này sẽ tạo ra rào cản trong việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Được biết rất nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội đã có kiến nghị tới Chính phủ, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để nhanh chóng tháo gỡ những quy định bất hợp lý tại TP. Hải Phòng. 

Tin bài liên quan