Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Không thể coi “Giấy vàng - Giấy trắng” tạo gánh nặng thủ tục

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, sự có mặt của quy định về “Giấy vàng - Giấy trắng” trong danh sách quy định chưa tốt là do chưa hiểu đúng bản chất của vấn đề này.     

Thưa ông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố kết quả bình chọn quy định pháp luật tốt và chưa tốt năm 2016, trong số những quy định chưa thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, có quy định về “Giấy vàng - Giấy trắng” trong đăng ký doanh nghiệp (DN)...

Trước hết, về cuộc bình chọn trên, có thể coi đây là một nỗ lực bước đầu của VCCI trong việc ghi nhận phản hồi của cá nhân, tổ chức, DN về các quy định pháp luật những năm gần đây. Từ 237 quy định được đề cử, Hội đồng gồm 16 người do VCCI mời đã chọn ra các quy định tốt và kém dựa trên 10 tiêu chí đánh giá.

Dù vậy, có thể là năm đầu thực hiện, nên còn tồn tại những điểm cần khắc phục. Ví dụ, chưa có đối thoại trực tiếp giữa nhóm đánh giá với cơ quan soạn thảo; chưa làm rõ tỷ lệ phản hồi của DN trong hơn 1.700 cá nhân, tổ chức được hỏi để thấy rõ sự quan tâm của DN đối với cuộc bình chọn này…

Riêng đối với quy định về “Giấy vàng - Giấy trắng” trong đăng ký DN, tôi đã đọc lý giải khi xếp quy định này vào danh sách những quy định cần chỉnh sửa, đó là “tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính và đi ngược lại với tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp”. Thực ra, cần có cách hiểu đúng hơn về bản chất vấn đề và tìm hiểu kỹ hơn mục đích của quy định này đối với cộng đồng DN.

Xin ông làm rõ thêm?

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005, Giấy chứng nhận đăng ký DN bao gồm nhiều nội dung như tên DN, địa chỉ trụ sở, vốn điều lệ, ngành, nghề kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập...

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Doanh nghiệp 2014, đã có ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên giới hạn các nội dung ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký DN. Một bộ phận DN ủng hộ quan điểm cải cách, đề cao quyền tự do kinh doanh của DN và cho rằng, không cần có những thông tin như ngành, nghề kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập trên Giấy chứng nhận đăng ký DN.

Ngược lại, một bộ phận khác vẫn mong muốn Giấy chứng nhận đăng ký DN thể hiện được những thông tin này để thuận tiện cho DN trong giao dịch, trao đổi với đối tác, cơ quan quản lý nhà nước khác.

Nhằm cụ thể hóa quan điểm cải cách và đề cao quyền tự do kinh doanh của DN, Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định theo hướng thu hẹp các nội dung ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký DN so với Luật Doanh nghiệp 2005. Theo đó, nội dung được ghi chỉ bao gồm tên DN, địa chỉ trụ sở, vốn điều lệ..., mà không bao gồm ngành, nghề kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập.

“Giấy vàng - Giấy trắng” thực chất là quy định liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký DN (Giấy vàng - theo cách gọi trong báo cáo của VCCI) và Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (Giấy trắng) tại khoản 2, Điều 49 và các điều 50, 51, 52, 53, 54 của Nghị định số 78/2005/NĐ-CP về đăng ký DN.

Theo quy định này, khi DN thông báo thay đổi nội dung đăng ký DN, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN, đồng thời công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN và DN coi như đã hoàn tất thủ tục hành chính.

Vậy tại sao lại xuất hiện Giấy trắng, thưa ông?

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng, Dự thảo Nghị định về đăng ký DN đã được thiết kế để xin ý kiến theo hướng, trường hợp thay đổi các nội dung không nằm trên Giấy chứng nhận đăng ký DN, thì DN truy cập Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN để biết kết quả của thủ tục mà không cần đến Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không in bất cứ loại giấy xác nhận nào cho DN.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đối với trường hợp nêu trên, cần phải cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký DN (Giấy trắng - PV) để tiện cho DN khi giao dịch, trao đổi với các đối tác hoặc cơ quan quản lý nhà nước khác.

Do vậy, để đáp ứng yêu cầu, mong muốn của các đối tượng khác nhau, nâng cao sự chủ động, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký DN và tạo thuận lợi cho DN khi thực hiện giao dịch với bên thứ ba, Nghị định 78/2015/NĐ-CP đã quy định theo hướng trao quyền lựa chọn kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho DN, tức là ngoài phương án truy cập Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN để biết kết quả giải quyết thủ tục hành chính, DN có thêm lựa chọn là yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh in Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký DN.

Tôi muốn nhấn mạnh, đây không phải là quy định bắt buộc, DN có thể lựa chọn nhận hoặc không nhận Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký DN, nên không thể coi đó là quy định tạo ra gánh nặng thủ tục hành chính được.

Hiện nay, thay vì phải đến trực tiếp Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả như trước đây, DN hoàn toàn có thể truy cập Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN để biết kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Tin bài liên quan