Ông Đặng Thuần Phong -Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: T.V

Ông Đặng Thuần Phong -Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: T.V

“Không thể cài cắm con em rồi nói đúng quy trình“

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 25/7.
- Sự việc ông Vũ Quang Hải - con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng - được bổ nhiệm vào Hội đồng thành viên Tổng công ty Bia – Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khiến dư luận chú ý gần đây, và đó không phải trưởng hợp cá biệt khi con cháu lãnh đạo bất ngờ về giữ trọng trách tại doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi cho rằng đây là tình trạng đáng lo, vì nó không đơn thuần ở chỗ này chỗ kia mà xuất hiện rất nhiều nơi. Có huyện, cả dòng họ làm lãnh đạo, người thân trong gia đình thay nhau làm lãnh đạo. Bây giờ ở các bộ, ngành cũng có tình trạng đưa con cháu mình vào. Vấn đề này, đại biểu Quốc hội cũng rất bức xúc và đã phát biểu nhiều: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”. Mà bây giờ trí tuệ còn rớt xuống thứ năm, thứ sáu rồi. Còn đồ đệ, còn người thân của đồ đệ… Vấn đề này không khỏi bức xúc nhưng liệu đã phổ biến chưa thì còn phải rà soát rất chặt chẽ.

Trường hợp nào cũng nói quy trình đúng nhưng đến con người cụ thể lại có chuyện này chuyện nọ. Không thể có quy trình đúng mà đưa ra những con người vào vị trí sai, không đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Như thế công bằng xã hội, con em của những người khác làm sao có cơ hội để kiếm được việc làm và phát triển được khả năng của mình?

- Vậy nhưng cứ mỗi khi sự việc xảy ra, người có trách nhiệm lại lấy lý do "đúng quy trình" để lý giải. Việc này cần được nhìn nhận thế nào?

- Nếu đúng quy trình mà khách quan thì hoàn toàn ổn. Nhưng gài người của mình và yêu cầu “đàn em, đồ đệ” của mình làm theo thì bản thân quy trình đó đã sai rồi. Bởi ở bước đầu tiên trong khâu lựa chọn đã đưa con em mình vào chứ không phải là người tài thực sự, được đơn vị lựa chọn ra. Quy trình chẳng qua là hình thức mà thôi. Ai quyết định quy trình đó? Chúng ta có quy trách nhiệm cho người quyết định quy trình đó không? Anh quyết định quy trình đúng nhưng cách làm là sai thì xử lý như thế nào?...

Dường như chúng ta không có chế tài gì, cũng không thấy cán bộ nào bị phê bình vì làm quy trình sai cả. Những vấn đề đó gây bức xúc trong xã hội nhưng cũng không thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm mà chỉ đổ qua đổ lại.

- Vậy theo ông, đâu là giải pháp xử lý triệt để vấn đề này?

- Về mặt tổ chức, sắp tới cần tính toán thật chặt chẽ để khắc phục những hậu quả đã xảy ra. Như trường hợp ở Bộ Công Thương, thế hệ lãnh đạo kế nhiệm phải mạnh dạn xử lý chuyện đó, bởi nếu không sẽ tạo tiền lệ không tốt trong ngành.

Nếu vấn đề này không được xử lý tốt mà còn để kéo dài thì hậu quả sẽ khôn lường và lòng tin của người dân đối với xã hội, với Đảng, Nhà nước sẽ giảm đi. Tôi tin rằng với chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, những vấn đề này sẽ được làm minh bạch, phơi bày ra và được xử lý một cách rốt ráo hơn.

Tin bài liên quan