Không phải giải cứu nông sản nếu làm tốt hỗ trợ liên kết ngành

Với các chính sách hỗ trợ được thiết kế từ nhu cầu của doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được kỳ vọng sẽ mang lại thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thậm chí, như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, làm tốt các chính sách hỗ trợ liên kết ngành, sẽ không còn chuyện phải giải cứu nông sản.
Không phải giải cứu nông sản nếu làm tốt hỗ trợ liên kết ngành

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã chính thức được Quốc hội thông qua. Cảm xúc của ông như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Luật Hỗ trợ DNNVV đã được thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao (83,5%) và chúng tôi, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, rất phấn khởi vì điều đó.

Có thể nói, đây là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, bởi sau 15 năm kể từ lần đầu tiên khái niệm DNNVV được nói đến trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chúng ta đã có một luật riêng quy định các chính sách hỗ trợ DNNVV.

Theo Thứ trưởng, khi đi vào cuộc sống, Luật sẽ mang lại những gì cho nền kinh tế?

Có thể nói, Luật Hỗ trợ DNNVV đã đạt được một trong những mục tiêu lớn nhất. Đó là hình thành được một hệ sinh thái cho DNNVV, tạo điều kiện cho họ được tham gia các chuỗi giá trị của các cụm liên kết ngành quan trọng.

Đây là những hoạt động sẽ thực sự góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Luật đã chính thức được thông qua, nhưng điều khiến dư luận băn khoăn là làm sao những chính sách hỗ trợ DNNVV này sẽ được thực thi có hiệu quả. Bởi thực tế thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có không ít chính sách hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này, song xem ra, những chính sách đó đã không mang lại hiệu quả như mong muốn…

Đúng là trước đây, chúng ta đã có những chính sách hỗ trợ cho DNNVV, nhưng vì chưa được luật hóa, nên tính ổn định, tính pháp lý chưa cao. Giờ tất cả đã được luật hóa.

Điều quan trọng hơn, khi thiết kế Luật, chúng tôi dựa trên khảo sát, đánh giá nhu cầu thực sự của doanh nghiệp, chứ không phải là Chính phủ có gì thì hỗ trợ nấy.

Tôi có thể khẳng định, nếu làm đúng, làm tốt hỗ trợ liên kết ngành, thì sẽ không có chuyện phải giải cứu nông sản như thời gian qua   

Xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, chúng tôi đã xây dựng 7 nhóm hỗ trợ chung, bao gồm tiếp cận tín dụng, đất đai, hỗ trợ về thuế, phí, hỗ trợ về công nghệ, mở rộng thị trường…

Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ trọng tâm cho 3 đối tượng doanh nghiệp, gồm DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Về nguyên tắc hỗ trợ DNNVV, Luật quy định việc hỗ trợ phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nhà nước hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực, đảm bảo công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện.

Chúng tôi cũng không chọn cách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, mà là hỗ trợ cho người đi hỗ trợ. Ví dụ, hỗ trợ để thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu thị trường lợn, rồi công bố công khai cho người dân được biết. Như vậy, một đồng bỏ ra thuê tư vấn, nhưng có thể hàng vạn người nuôi lợn được hưởng lợi.

Hay như hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, sẽ làm sao để giúp được những doanh nghiệp xuất sắc nhất, có công nghệ tốt nhất tham gia từng mắt xích của chuỗi giá trị đó. Cùng nuôi lợn thì phải cộng sinh với nhau, từ các doanh nghiệp chuyên cung cấp con giống, thức ăn, đến chuồng trại chăn nuôi, rồi doanh nghiệp chế biến, phân phối…

Tôi có thể khẳng định, nếu làm đúng, làm tốt hỗ trợ liên kết ngành, thì sẽ không có chuyện phải giải cứu nông sản như thời gian qua.

Trong câu chuyện này, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là Hiệp hội DNNVV là rất lớn, phải làm sao để liên kết các doanh nghiệp với nhau, làm sao để hỗ trợ được càng nhiều doanh nghiệp càng tốt.

Trước khi Luật Hỗ trợ DNNVV được thông qua, Thứ trưởng có nói, Luật sẽ là món quà cho cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa gì, thưa Thứ trưởng?

Đó thực sự là một món quà. Bởi như trên tôi vừa nói, lần này, các chính sách hỗ trợ đã được luật hóa. Nếu thực hiện tốt, đó là món quà dành cho các DNNVV. Những hỗ trợ như tôi vừa nói ở trên có giá trị hơn rất nhiều so với việc hỗ trợ mỗi doanh nghiệp vài chục triệu đồng.

Điều quan trọng là, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ đúng cái doanh nghiệp cần và hỗ trợ cho số đông.

Tôi tin rằng, với sự ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV, các chính sách hỗ trợ sẽ đúng, trúng và hiệu quả hơn.

Còn 6 tháng nữa, Luật sẽ có hiệu lực. Từ nay tới lúc đó, sẽ phải làm gì để Luật sớm đi vào cuộc sống, thưa Thứ trưởng?

Ngay sau đây, nhiệm vụ quan trọng là phải sớm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật của Chính phủ. Các dự thảo nghị định đã có, được soạn thảo song song với Luật. Giờ phải cố gắng hoàn thiện để sớm ban hành.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng phải nỗ lực hết sức. Các nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị đã được quy định trong Luật. Nếu tất cả cùng nỗ lực, Luật sẽ sớm đi vào cuộc sống, mang lại sự hỗ trợ thiết thực cho DNNVV Việt Nam.

Tin bài liên quan