Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, mô hình tăng trưởng mà nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới là ngày càng dựa vào tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Như vậy, những băn khoăn, phân vân trước đó về các bước chậm trễ trong kế hoạch tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; những lo lắng về thế tiến thoái lưỡng nan của nền kinh tế hội nhập sâu rộng, nhưng nội lực chưa đủ mạnh và ngay cả những hoài nghi về tính hiện thực, hiệu quả của yêu cầu cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương... đã được giải tỏa.
Hơn thế, niềm tin về “quán tính cải cách” sẽ được đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn trên nền tảng những thành tựu mà nền kinh tế mà cả nước đã rất nỗ lực để đạt được trong năm 2017, khi các kế hoạch của năm 2018 sẽ được chốt với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ trong năm 2018.
Niềm tin về “quán tính cải cách” được đẩy nhanh hơn cũng tăng lên nhất là khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thêm một lần nữa khẳng định, các chuyển động cải cách không được phép dừng lại, phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa để vượt trên các thành tích đạt được trong năm 2017, tiếp tục giải quyết những vấn đề của cải cách, đổi mới theo đường lối của Đảng đã đề ra.
Tất nhiên, để làm được những điều mà Tổng bí thư chỉ đạo, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải quyết tâm cao, bởi nền kinh tế còn những điểm yếu cố hữu trước khi bước vào năm 2018.
Đó là chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, nhưng chất lượng, hiệu quả, quy mô hoạt động, sức cạnh tranh còn thấp.
Tính kết nối giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI còn nhiều hạn chế. Việc xử lý nợ xấu còn khó khăn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước còn kém hiệu quả, thua lỗ, thất thoát.
Xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm. Nền kinh tế còn chưa sẵn sàng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...
Nhưng khi người đứng đầu Chính phủ đã thẳng thắn nói tại Hội nghị trực tuyến rằng, vấn đề mấu chốt vẫn là con người thực hiện, rằng muốn tái cơ cấu thành công, muốn khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém… thì trước hết phải bố trí lại đội ngũ cán bộ, tái cơ cấu cách làm việc của bộ máy, tái tạo văn hóa học hỏi, tinh thần cởi mở, năng lực sáng tạo và trách nhiệm cá nhân.
Bên cạnh đó, phải tái tạo môi trường làm việc, cải thiện môi trường thể chế để phát huy những cán bộ có năng lực tốt, tư duy tốt, đồng thời kiến tạo lại niềm tin, sự tâm huyết vào thể chế, vào chế độ… Làm được như vậy thì chắc chắn, quá trình thực thi sẽ không quá khó.
Tại Hội nghị trực tuyến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ đạo kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn; xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính...
Rõ ràng, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018 đã bắt đầu được vẽ bởi những khung khổ rất rõ nét, không có điểm chồng mờ. Cũng có nghĩa, các kế hoạch kinh doanh, đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có thể bắt đầu bởi những quyết định mạnh bạo, lâu dài.