Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo

Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo

Không nên ép cổ phần hóa mỗi ngày một doanh nghiệp

(ĐTCK) Đó là ý kiến của các chuyên gia và lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại cuộc Hội thảo về vai trò thị trường vốn trong tái cấu trúc nền kinh tế do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, HOSE và BIDV phối hợp tại Bình Định ngày 18/4.

Ông Đoàn Hùng Viện, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển cho biết, năm 2001, cả nước có 5.655 DNNN, hoạt động ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đến nay chỉ còn 1.199 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước độc lập (không kể các công ty nông, lâm nghiệp, thì có 949 DNNN).

Thực tế, từ năm 2011 đến nay, cả nước đã cổ phần hóa được 114 doanh nghiệp, trong đó, 30 tổng công ty nhà nước, 21 doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (vốn nhà nước 87.861 tỷ đồng), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (vốn nhà nước 22.036 tỷ đồng), Tổng công ty Khí Việt Nam - GAS (vốn 18.600 tỷ đồng), Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (vốn nhà nước 10.164 tỷ đồng), Tổng công ty Thép Việt Nam (vốn nhà nước 6.524 tỷ đồng), Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long - MHBank (vốn nhà nước 3.074 tỷ đồng), Tổng công ty Viglacera (vốn nhà nước 2.227 tỷ đồng), Tổng công ty Thiết bị điện (vốn nhà nước 1.366 tỷ đồng)...

 
Theo ông Viện, qua cổ phần hóa DNNN, Nhà nước đã tăng thêm nguồn thu để thực hiện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Về cơ bản, đã thực hiện được những mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa IX) đề ra là cơ cấu lại DNNN, giảm mạnh các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, doanh nghiệp kém hiệu quả, doanh nghiệp ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ; thu hút thêm các nguồn vốn của xã hội đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; tạo ra loại hình doanh nghiệp đa sở hữu với cơ chế quản lý năng động, hiệu quả hơn.

Đánh giá về nỗ lực của các DN, ông Viện nói, trong quá trình cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp tích cực kêu gọi cổ đông chiến lược và sau khi cổ phần hóa cũng tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư để bán tiếp cổ phần như: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam bán 15% vốn điều lệ với giá 34.000 đồng/cổ phiếu cho Mizuho Corporate Bank (Nhật Bản), thu về khoảng 11.182 tỷ đồng; Ngân hàng Công thương Việt Nam bán 20% vốn điều lệ với giá 24.000 đồng/cổ phiếu cho The Bank of Tokyo - Misubishi (Nhật Bản), thu về khoảng 16.500 tỷ đồng; Công ty Bảo hiểm Dầu khí và Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí đã bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là các doanh nghiệp của Đức và Nhật Bản thu về 1.844 tỷ đồng... Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa DNNN gắn với bán đấu giá cổ phần và niêm yết đã cung cấp cho TTCK lượng hàng hóa có chất lượng, tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường sự kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến nay đã niêm yết cổ phiếu của 33 doanh nghiệp thành viên, chiếm khoảng 20% tổng vốn hóa toàn thị trường.

Về mục tiêu giai đoạn tới, ông Viện cho biết, theo các đề án đã phê duyệt, số doanh nghiệp cổ phần hóa còn lại trong 2 năm 2014-2015 là 432 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm 216 doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ to lớn, phức tạp, quan trọng nhất trong tái cơ cấu, cần đặc biệt quan tâm, có những giải pháp mới, đột phá, dồn sức thực hiện để có được kết quả. Những doanh nghiệp có điều kiện thì thực hiện IPO theo quy định; những doanh nghiệp chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, SCIC, tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược, hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm thay đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp.

Đánh giá về lộ trình cổ phần hóa - giải pháp quan trọng bậc nhất trong quá trình tái cấu trúc DNNN, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, kế hoạch đặt ra tương đương với việc 1 ngày cổ phần hóa 1 doanh nghiệp là điều rất khó để thực hiện.

Cùng quan điểm với ông Thiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đặt vấn đề, muốn cổ phần hóa được, phải tìm ra người mua, bởi thực tế, nếu nhiều người bán mà không có hoặc ít có ai mua thì không thể thực hiện thành công cuộc chào bán. Theo ông Nghĩa, cần có sự chuẩn bị, có những hành động thiết thực trước khi thực hiện cổ phần hóa DNNN, trong đó, quan trọng nhất là phân loại sức khỏe DNNN. Những doanh nghiệp nào đủ sức tái cơ cấu để phát triển, cần làm mạnh để giúp doanh nghiệp phát triển; những doanh nghiệp nào không còn sức sống, hãy tính việc giải thể, phá sản thì tốt hơn.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Trần Quang Nghị mở đầu phát biểu của mình bằng lời nhận xét: “các chuyên gia đã nói những điều tôi rất tâm đắc”. Tập đoàn Dệt may là doanh nghiệp có sự chủ động rất cao trong việc lên phương án cổ phần hóa, nhưng để cổ phần hóa được và tìm được nhà đầu tư chiến lược là việc không dễ dàng.

Là loại tập đoàn có quy mô vốn vừa và nhỏ (vốn chưa đến 5.000 tỷ đồng), ông Nghị cho biết, Vinatex rất cần nguồn vốn lớn để đón đầu cơ hội khi Việt Nam gia nhập TPP. “Nếu VN chậm chân cho doanh nghiệp cổ phần hóa doanh nghiệp ngành dệt may, việc đàm phán TPP sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài, chứ không phải trong nước”, ông Nghị nói.

Điều khó nhất của Vinatex trong quá trình này là làm sao tìm được nhà đầu tư chiến lược phù hợp và dài hạn để cổ phần hóa đi vào thực chất cải tổ chất lượng hoạt động doanh nghiệp. Vì lý do này, ông Nghị đồng ý với cách đặt vấn đề của các chuyên gia, rằng không nên đặt sẵn tiến độ mỗi ngày cổ phần hóa 1 doanh nghiệp, bởi để cổ phần hóa được và tạo sức sống cho doanh nghiệp, còn phụ thuộc rất lớn vào sức cầu trên thị trường.

Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VietnamAirlines cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu sẽ IPO trong tháng 9/2014, nhưng vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để tìm được nhà đầu tư chiến lược theo đúng nghĩa trước khi IPO. Theo ông Thanh, Vietnam Airlines sẽ nỗ lực tối đa để tìm nhà đầu tư chiến lược là các hãng hàng không lớn nước ngoài, để mở rộng không gian hoạt động. Trường hợp từ nay đến tháng 9 chưa tìm ra nhà đầu tư chiến lược như ý, Tập đoàn vẫn dự kiến sẽ chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Tin bài liên quan