Không dùng mệnh lệnh hành chính “thúc” giải ngân đầu tư công

Chính phủ chuẩn bị bắt tay thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 vừa được Quốc hội thông qua. “Một trong những điều kiện để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-6,7% năm 2018 là tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nhưng không phải giải ngân bằng mọi giá”, PGS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ.

Đến thời điểm này, có thể nói, năm nay khó có thể hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, thưa ông?

Thường thì vốn đầu tư công (chủ yếu dành cho lĩnh vực xây dựng cơ bản) giải ngân mạnh vào 3 tháng cuối năm, nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định, vốn đầu tư công cho xây dựng cơ bản quá chậm.

Không dùng mệnh lệnh hành chính “thúc” giải ngân đầu tư công ảnh 1

 PGS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Cụ thể, 10 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 53,3% dự toán, trong đó, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 61,1%. Vốn trái phiếu chính phủ giải ngân được vỏn vẹn 4.200 tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán.

Năm 2016, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn trái phiếu chính phủ cũng quá chậm, buộc Quốc hội cho phép chuyển nguồn trái phiếu chính phủ năm 2016 sang năm 2017 giải ngân tiếp, nhưng đến thời điểm này, chỉ giải ngân được 3.000 tỷ đồng, bằng 17,2% số chuyển nguồn.

Trước thực tế trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy thực hiện tốt hơn thời gian tới.

Trong phiên thảo luận tại nghị trường ngày 31/10/2017 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và kế hoạch năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, đồng thời cũng đưa ra nhiều giải pháp rất quyết liệt nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn này.

Trong đó có việc chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra thực hiện làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong việc giao vốn, chậm giải ngân để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm.

Theo tôi, các nguyên nhân và giải pháp được chỉ ra rất trúng, rất đúng. Ngoài ra, cũng cần phải khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tháo gỡ cơ bản mọi vướng mắc, bất cập để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018).

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; triển khai quyết liệt các giải pháp để giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công năm 2017.

Theo quy định, vốn đầu tư công năm trước được giải ngân đến hết ngày 31/1 năm sau. Hy vọng, với những giải pháp quyết liệt trên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ khá hơn trong thời gian còn lại.

Nếu không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, thì chắc chắn sẽ tác động tới mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018?

Giải ngân đầu tư công chậm tác động tới tăng trưởng kinh tế, nhưng mức độ tác động không lớn.

Minh chứng rõ nhất là trong 9 tháng đầu năm nay, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vô cùng thấp, nhưng GDP vẫn tăng trưởng 6,41% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo tính toán, giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 ước chỉ đạt 84% kế hoạch, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm vẫn hoàn toàn đạt mục tiêu 6,7%.

Vì vậy, quan điểm của tôi là thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, nhằm đẩy nhanh tốc độ đầu tư công, sớm đưa công trình, dự án vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng không vì thế mà phải đầu tư bằng mọi giá, giải ngân bằng mọi giá, đặc biệt là không dùng mệnh lệnh hành chính “thúc” giải ngân.

Nhưng vấn đề là tiền đã huy động về, nếu không đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sẽ dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư, thưa ông?

Quan trọng nhất đối với đầu tư xây dựng từ bất cứ nguồn vốn nào, chứ không riêng vốn đầu tư công là chất lượng công trình, dự án.

Nếu vì thành tích, hay sợ bị xem xét xử lý mà chủ đầu tư dùng mệnh lệnh hành chính ép giải ngân bằng hết kế hoạch vốn, nhà thầu sẽ chạy theo khối lượng, thì rất có thể ảnh hưởng tới công trình dự án, khi đó hiệu quả đầu tư công thấp hơn rất nhiều phương châm “chậm mà chắc”.

Tuy nhiên, cũng không vì phương châm “chậm mà chắc” mà kéo dài tiến độ thi công công trình, dự án.

Vì thế, một mặt không giải ngân bằng mọi giá, đầu tư bằng mọi giá, mặt khác phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình, thủ tục trong đầu tư xây dựng từ chuẩn bị dự án, phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu, hồ sơ thanh toán…

Có như vậy mới vừa đẩy nhanh tiến độ đầu tư, bảo đảm đưa công trình, dự án sớm đi vào khai thác, vừa kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư cũng như chất lượng công trình, vì nguồn vốn đầu tư công tuyệt đại đa số là đi vay, trong khi chưa giải ngân được, phải gửi ngân hàng với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động, ngân sách nhà nước phải gánh phần chênh lệch lãi suất.

Thưa ông, vậy tại sao không giải ngân đến đâu huy động đến đó, mà để tồn dư phải gửi ngân hàng với lãi suất thấp?

Vốn đầu tư công năm sau được phân bố kế hoạch chậm nhất là ngày 31/12 năm trước. Khi phân bổ kế hoạch vốn, làm sao biết được dự án nào, công trình nào chậm triển khai, do tình trạng này có rất nhiều lý do, trong đó có cả lý do bất khả kháng là lũ lụt, mưa bão. Vì vậy, khi đã có kế hoạch vốn, bắt buộc phải chuẩn bị đủ nguồn.

Giả sử giải ngân đến đâu, huy động đến đấy, vào mùa khô, đặc biệt là vào quý IV, khi mà nhu cầu giải ngân tăng mạnh, nếu tập trung huy động vốn, thì sẽ tác động ngay tới lãi suất, tới nguồn vốn trên thị trường tiền tệ.

Tin bài liên quan