Ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính)

Ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính)

Không để cổ phần hóa thành tư nhân hóa

Cổ phần hóa (CPH) đơn vị sự nghiệp công có đủ điều kiện là một trong những chủ trương, chính sách lớn được đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII. Ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) hy vọng, trong thời gian tới, tiến trình CPH đơn vị sự nghiệp công sẽ được đẩy mạnh.

Thưa ông, thực hiện Quyết định 22/2015/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp công thành công ty cổ phần, đến nay đã có bao nhiêu đơn vị được CPH?

Chủ trương chuyển đơn vị sự nghiệp công thành công ty cổ phần hay nói một cách khác là CPH đơn vị sự nghiệp công đã có từ lâu. Nhưng chủ trương này chỉ chính thức được thực hiện sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 22/2015/QĐ-TTg quy định về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thành công ty cổ phần.

Sau hơn 16 tháng triển khai Quyết định 22/2015/QĐ-TTg, ngoài các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc tập đoàn, tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sau khi công ty mẹ được CPH hóa thì hiện chưa có nhiều đơn vị sự nghiệp công được đa dạng hóa sở hữu.

Chắc có nhiều nguyên nhân khiến tiến trình CPH đơn vị sự nghiệp công còn chậm, thưa ông?

Một đơn vị sự nghiệp công muốn CPH, trước hết phải tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi đầu tư, sau đó chuyển dần sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

"Đảng và Nhà nước quyết tâm đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện hạch toán như doanh nghiệp đối với đơn vị có đủ điều kiện, CPH đơn vị có đủ điều kiện, nhưng không để CPH thành tư nhân hóa và không để xã hội hóa thành thương mại hóa dịch vụ công"

Khi chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công được Nhà nước xác định giá trị tài sản và giao vốn cho đơn vị quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; hạch toán kế toán theo quy định của các chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp; được xác định vốn điều lệ và bảo toàn vốn; được vay vốn, huy động vốn, đầu tư vốn ra ngoài đơn vị; quản lý doanh thu, chi phí và phân phối lợi nhuận; thực hiện chế độ kế toán, thống kê áp dụng như doanh nghiệp…

Để đảm bảo được những điều kiện đó thì chỉ có những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực có điều kiện xã hội hóa cao, Nhà nước không bao cấp và giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí, bao gồm cả trích khấu hao tài sản cố định mới có thể thực hiện được. Trong khi đó, giá nhiều dịch vụ công chưa tính đủ chi phí, nhất là khấu hao tài sản cố định, nên chưa có nhiều đơn vị sự nghiệp công được CPH.

Ngoài ra, để CPH đơn vị sự nghiệp công còn phải xử lý hàng loạt vấn đề liên quan đến tài chính, tài sản, công nợ, xác định giá trị doanh nghiệp… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chưa nhiều đơn vị được chuyển đổi.

Thưa ông, việc xử lý tài chính, tài sản, công nợ, xác định giá trị doanh nghiệp… để CPH đã được quy định cụ thể tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn?

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc CPH đơn vị sự nghiệp công diễn ra chậm chạp. Cụ thể, theo quy định hiện hành thì trình tự, thủ tục và các nội dung liên quan đến việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần được thực hiện theo quy định tại Quyết định 22/2015/QĐ-TTg, nhưng những nội dung không có thì thực hiện theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Nghị định 189/2013/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Nhiều quy định trong 2 nghị định này không còn phù hợp với thực tế, nên Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi. Vì thế, cũng có tâm lý chờ đợi cơ chế mới thông thoáng hơn, phù hợp hơn mới triển khai thực hiện.

Như vậy, sau khi có nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Nghị định 189/2013/NĐ-CP, tiến trình CPH đơn vị sự nghiệp công sẽ được đẩy mạnh hơn. Vậy kế hoạch thời gian tới là gì?

Đối với các đơn vị sự nghiệp công hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo thì đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán như doanh nghiệp; khuyến khích liên kết hợp tác trên cơ sở bảo toàn tài sản; thí điểm cho thuê quản lý, thuê cơ sở vật chất; thí điểm CPH trên nguyên tắc bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn.

Còn về chủ trương đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII xác định là tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công; tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, điều chỉnh giá các loại dịch vụ công theo cơ chế thị trường; chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng, từ hỗ trợ cho đơn vị cung cấp sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đảng và Nhà nước quyết tâm đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện hạch toán như doanh nghiệp đối với đơn vị có đủ điều kiện, CPH đơn vị có đủ điều kiện, nhưng không để CPH thành tư nhân hóa và không để xã hội hóa thành thương mại hóa dịch vụ công; giải thể các đơn vị sự nghiệp công hoạt động kém hiệu quả.

Với đơn vị đã nhận tự chủ, chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoặc CPH, sau một thời gian hoạt động khó khăn liệu có thể quay về hoạt động như đơn vị sự nghiệp công thuần túy không?

Hiện có 4 loại đơn vị sự nghiệp công, gồm tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư (loại 1), tự chủ về chi thường xuyên (loại 2), tự chủ một phần chi thường xuyên (loại 3) và không tự chủ (loại 4).

Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công được ổn định trong thời gian 3 năm. Trường hợp nguồn thu, nhiệm vụ chi của đơn vị có biến động làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính thì cơ quan quản lý cấp trên xem xét điều chỉnh mức độ tự chủ cho đơn vị trước thời hạn, nhưng chỉ điều chỉnh từ loại có mức độ tự chủ thấp sang loại có mức độ tự chủ cao hơn.

Tương tự, đơn vị đã hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoặc CPH rồi thì không điều chỉnh thành đơn vị sự nghiệp công theo một trong 4 loại kể trên. Sau thời gian ổn định 3 năm, chỉ có thể điều chỉnh theo hướng tự chủ cao hơn, chứ không làm ngược lại.

Tin bài liên quan