Các công ty thực phẩm - đồ uống, vật liệu xây dựng, bất động sản, giáo dục, y tế… là mục tiêu đầu tư hấp dẫn

Các công ty thực phẩm - đồ uống, vật liệu xây dựng, bất động sản, giáo dục, y tế… là mục tiêu đầu tư hấp dẫn

Khẩu vị đầu tư năm 2017, có gì khác?

(ĐTCK) Năm nay, tiêu dùng nội địa là một trong những lĩnh vực sẽ được VinaCapital tập trung đầu tư. Nhiều cơ hội đầu tư khác đã được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2017” tổ chức ngày 10/3.

Nhiều cơ hội đầu tư

“Ngoài lĩnh vực tiêu dùng nội địa, chúng tôi còn nhìn thấy cơ hội đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng và có cả lĩnh vực ngân hàng. Bất động sản du lịch cũng là một lĩnh vực đầy hứa hẹn. Lượng khách du lịch đến Việt Nam đạt kỷ lục trong năm 2016 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2017”, ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital chia sẻ về các cơ hội đầu tư.

Ông Don Lam cho biết, năm 2017, VinaCapital sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng nội địa đang phát triển mạnh của Việt Nam. Đó sẽ là các công ty thực phẩm - đồ uống, vật liệu xây dựng, bất động sản, giáo dục và y tế.

Theo ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, năm 2016, các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) diễn ra sôi động, hoạt động này được kỳ vọng tiếp tục diễn ra trong năm 2017. Thực tế, đã có không ít thương vụ M&A diễn ra trong 2 tháng đầu năm.

“Lợi thế nhất của Việt Nam là thị trường nội địa, mảng tiêu dùng và dịch vụ liên quan đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, khả năng quản trị doanh nghiệp của nhiều doanh nghiệp còn yếu. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đánh giá, chất lượng quản trị doanh nghiệp của chúng ta so với các nước ASEAN ở mức thấp. Nếu chúng ta không thay đổi thì đây sẽ là cản trở lớn trong việc kêu gọi vốn và cản trở cả sự phát triển lớn mạnh hơn. Thực tế, chúng ta cũng đang thiếu nhiều chiến lược phát triển dài hạn cho doanh nghiệp, hiện mới chỉ tập trung vào các chiến lược ngắn hạn”, ông Thinh nói.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn, Công ty CBRE Việt Nam nhận định, năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm sôi động của thị trường bất động sản, nhưng sẽ khó khăn hơn so với năm 2015 và 2016.

Thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là thị trường nhà ở đã có diễn biến hồi phục kể từ giữa năm 2014 đến nay. Giai đoạn này có rất nhiều người kiếm được tiền từ thị trường bất động sản, nhà ở cho thuê.

Năm 2017, sẽ có nhiều dự án được chào bán ra thị trường, chủng loại dự án đa dạng, nằm tại các phân khúc và vị trí khác nhau. Trong hai năm qua, đã có nhiều dự án được chào bán ra thị trường nên năm nay nhiều khả năng sẽ có sự bão hòa. Tuy nhiên, các dự án có sự khác biệt sẽ tồn tại và phát triển.

“Thị trường 2017 sẽ có người thắng, người thua và có thể người thua nhiều hơn so với năm 2015 và 2016”, bà Dung nhìn nhận về thị trường bất động sản.

Đột biến dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, những năm qua, Top 5 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam ít có sự góp mặt của các nhà đầu tư Trung Quốc. Hàn Quốc thường đứng số 1 về vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2017 đã có sự thay đổi nhất định.

Theo thống kê, 2 tháng đầu năm, Singapore đứng thứ nhất với tổng số vốn đầu tư 881,6 triệu USD, Trung Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 721,7 triệu USD, Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 637,1 triệu USD.

Trong đó, Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam qua hai hình thức: rót vốn thực hiện dự án và mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam. Các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm nhiều đến các dự án sản xuất xơ sợi, nhựa.

Trong 2 tháng đầu năm, nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký thực hiện 123 dự án tại Việt Nam và 174 lượt mua cổ phần, chiếm 21,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Tin bài liên quan