Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đã chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội mới

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đã chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội mới

Khai mạc kỳ họp thứ 8: cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc

(ĐTCK) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Kỳ họp thứ 8 có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng”.

Sáng nay (20/10), Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đã chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội - Hội trường Ba Đình mới sau 5 năm xây dựng.

Kỳ họp này sẽ kết thúc vào ngày 28/11 với nhiều nội dung quan trọng về kinh tế xã hội chính trị sẽ được thảo luận và quyết định.

Với bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm, ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng đang trên đà phục hồi...

Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phát biểu khai mạc đã nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém. Việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế còn nhiều lúng túng và thực hiện khó khăn. Tổng cầu tăng chậm; tồn kho ở mức cao, sức hấp thụ vốn còn yếu; năng suất lao động, hiệu quả sức cạnh tranh còn thấp…

“Kỳ họp thứ 8 có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng đòi hỏi  chúng ta phải có các chủ trương, giải pháp căn cơ, đồng bộ để tiếp tục ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ nghe 7 báo cáo trong đó có báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội 2014 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày.

Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo về tình hình thực hiện thu chi ngân sách, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng…

Trong phiên họp sáng nay, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét: “Chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Xung đột xảy ra ở nhiều nơi, căng thẳng trên biển Hoa Đông và biển Đông”.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Khó khăn thách thức là rất lớn. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội. Hàng tháng đều có kiểm điểm, đánh giá và điều chỉnh, bổ sung”.

Theo đó, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12 - 14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá cao. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng 13% (cùng kỳ tăng 3%).

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nền kinh tế cũng còn nhiều tồn tại như vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc; Bội chi ngân sách còn cao; Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%. 

Tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc. Thị trường bất động sản phục hồi chậm. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá hiệu quả chưa cao…

Tin bài liên quan