PGS-TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội

PGS-TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước là cơ sở để giảm phí giao thông

Bộ Tài chính đang nghiên cứu tiếp tục giảm phí giao thông hàng loạt đoạn đường được đầu tư bằng hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). PGS-TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cơ sở để giảm phí là kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).     

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, dự án giao thông BOT là của tư nhân, KTNN không có quyền kiểm toán, ông bình luận gì về ý kiến này?

KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Câu hỏi đặt ra là dự án BOT có phải là tài sản công hay không? Cũng có ý kiến cho rằng, đây là tài sản của tư nhân nên không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN.

Tôi cho rằng, ý kiến này thiếu cơ sở. Đơn cử, Quốc lộ 1 chẳng hạn, ai bỏ vốn ra đầu tư, đầu tư theo hình thức nào thì đây vẫn là tài sản nhà nước, sở hữu toàn dân, nhà đầu tư chỉ có quyền khai thác có thời hạn chứ không có quyền sở hữu. Tóm lại, mặc dù dự án BOT do tư nhân bỏ vốn, nhưng bản chất vẫn là tài sản công, vẫn thuộc đối tượng của KTNN.

Vậy KTNN thực hiện kiểm toán những nội dung nào?

Kiểm tra toàn bộ hợp đồng BOT xem công trình đầu tư theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào, tổng mức đầu tư bao nhiêu. Kiểm tra trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư tuân theo quy trình kinh tế kỹ thuật nào từ khâu chuẩn bị đầu tư, tổ chức đầu tư cho tới hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao công trình.

Trong những năm gần đây, mặc dù phương tiện giao thông hàng năm tăng rất cao, nhưng không vì thế phí giao thông giảm, mà ngược lại tăng liên tục, khiến chi phí sản xuất, kinh doanh tăng, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất, kinh doanh trong nước cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vì sao doanh nghiệp và người dân đang bị chủ dự án BOT “móc túi”? Vì thực tế tổng mức đầu tư cho công trình chỉ có 700 - 800 tỷ đồng, nhưng nhà đầu tư khai 1.200 - 1.500 tỷ đồng vẫn được cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công trình đó chấp nhận và buộc Bộ Tài chính phải đưa ra mức phí hợp lý để nhà đầu tư thu hồi vốn. Nếu không có KTNN xác định công trình này thực tế chỉ đầu tư 700 - 800 tỷ đồng chứ không phải 1.200 - 1.500 tỷ đồng thì doanh nghiệp, người dân sẽ tiếp tục bị “móc túi”.

Sau khi kiểm toán, KTNN xác định lại, với chất lượng công trình thế này, tổng mức đầu tư chỉ từng này, lưu lượng phương tiện giao thông tham gia thế này, thì mức phí giao thông chỉ từng này và cần tối đa bằng này thời gian là nhà đầu tư đã thu hồi vốn và có lãi. Đây là cơ sở để Bộ Tài chính sẽ giảm phí giao thông hàng loạt đoạn đường giao thông được đầu tư bằng hình thức BOT.

Giả sử nhà đầu tư phải bỏ số tiền nhiều hơn tổng mức đầu tư đã được duyệt thì sao?

Đã là đầu tư kinh doanh thì phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu. Sau khi kiểm toán, KTNN xác nhận tổng mức đầu tư của công trình chỉ có 700 - 800 tỷ đồng, nhưng nhà đầu tư thực tế phải bỏ ra 1.000 tỷ đồng do anh quản lý kém, bị thất thoát, lãng phí hay chi những khoản không trực tiếp phục vụ công trình thì anh phải chịu. Nhà nước chỉ chấp nhận tổng mức đầu tư hợp lý và mức thu phí cũng như thời gian hoàn phí tương ứng với tổng mức đầu tư dự án, không căn cứ vào chi phí mà nhà đầu tư tự tính toán khi hoàn công.

Ai cũng biết không phải tự nhiên mà nhà đầu tư lại ký được hợp đồng BOT với rất nhiều ưu ái. Thưa ông, sau khi kiểm toán cũng phải xử lý cả những người có trách nhiệm đứng ra đàm phán, ký kết hợp đồng BOT?

Với những công trình giao thông hàng ngàn tỷ đồng, người dân nghi ngờ có sự khuất tất, tiêu cực là có cơ sở. Vì vậy, không chỉ kiểm toán công trình, mà KTNN còn kiểm tra cả cơ quan quản lý nhà nước đứng ra ký kết hợp đồng BOT.

Cụ thể, với chất lượng công trình thế này, tại sao anh lại chấp nhận tổng mức đầu tư cao hơn hàng trăm tỷ đồng. Với tổng mức đầu tư thế này, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông thế này, tại sao anh lại chấp nhận cho nhà đầu tư thu phí 1.500 đồng/km với thời hạn lên tới 20 năm, trong khi trên thực tế với mức phí 1.200 đồng/km thì chỉ mất 15-17 năm nhà đầu tư đã thu hồi đủ vốn và có mức lãi hợp lý. Từ tính toán của mình, KTNN sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cơ quan quản lý nhà nước đã đứng ra ký kết hợp đồng BOT gây thiệt hại cho Nhà nước và người dân.

Nhưng khi dự án đã đi vào khai thác, nhà đầu tư đã chấp nhận mức phí và thời gian thu phí rồi thì cần gì phải kiểm toán nữa, thưa ông?

Như tôi đã nói, nhà đầu tư chỉ là người quản lý công trình chứ công trình vẫn là tài sản nhà nước, mà đã là tài sản nhà nước thì phải kiểm toán định kỳ.

Mặc dù công trình đã được giao cho nhà đầu tư quản lý, khai thác, nhưng lưu lượng xe tham gia giao thông, chất lượng công trình thay đổi theo thời gian thì vẫn phải kiểm toán để xác định lại thời gian thu phí cũng như mức phí. Ví dụ, khi ký hợp đồng, theo tính toán thì bình quân lượng phương tiện giao thông qua trạm thu phí là 1.000 xe ô tô/giờ, nhưng 3 năm sau tăng lên 1.500 xe/giờ thì phải rút ngắn thời gian thu phí. Hay khi ký kết hợp đồng với chất lượng công trình như vậy thì ô tô có thể chạy 100 km/giờ, nhưng 3-5 năm sau, do nhà đầu tư không duy tu, sửa chữa nên chất lượng công trình giảm xuống, xe ô tô chỉ có thể chạy 70 - 80 km/giờ thì phải giảm phí giao thông.

Tin bài liên quan