Hy Lạp vỡ nợ và bài học gì cho Việt Nam?

Ngày 5/7 tới, Hy Lạp sẽ trưng cầu dân ý để quyết định có tiếp tục nhận cứu trợ hay tuyên bố vỡ nợ và ra khỏi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Hy Lạp vỡ nợ và bài học gì cho Việt Nam?

Dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý này có như thế nào đi nữa, thì những gì đang diễn ra tại Hy Lạp là bài học lớn đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam trong vấn đề vay và trả nợ nước ngoài.

Chuyện Hy Lạp vỡ nợ có căn nguyên từ năm 2004, khi quốc gia này quyết định bỏ ra 12 tỷ USD (tương đương 10% GDP, theo con số mà Chính phủ Hy Lạp báo cáo) để tổ chức Olympic. Thế vận hội Olympic năm 2004 vô cùng hoành tráng, nhưng sau khi các đoàn thể thao trên khắp thế giới về nước thì các công trình phục vụ Olympic trên quê hương của thần Zeus - chúa tể của các vị thần theo thần thoại Hy Lạp - đã và đang trở thành phế tích đến nỗi mỗi năm, 16 triệu khách du lịch thế giới đến quê hương của thần Zeus cũng không muốn ghé thăm.

Gánh nợ Olympic chưa trả nổi, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái (2007 - 2011), Hy Lạp cũng nằm trong vòng xoáy này.

Gánh nợ Olympic chưa trả nổi, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái (2007 - 2011), Hy Lạp cũng nằm trong vòng xoáy này. Nhưng thay vì tìm cách thắt lưng buộc bụng, nền kinh tế đứng vị trí thứ 28 trên thế giới này lại tiếp tục vay nợ để đầu tư và bảo đảm an sinh xã hội. Đầu tư không hiệu quả, nợ chồng lên nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, kinh tế suy thoái, nhưng Chính phủ Hy Lạp thời kỳ đó được đánh giá là không trung thực với người dân về vay nợ và sử dụng tiền đi vay. Hệ quả là, nợ của nước này đã tăng từ mức 126,8% GDP (năm 2009), lên trên 177% GDP (năm 2014) và hiện lên khoảng 185% GDP.

Trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và Hy Lạp hiện không lớn nên sự sụp đổ của nền kinh tế nước này không tác động nhiều tới Việt Nam. Nhưng đây là bài học rất đáng quan tâm để tránh đi vào vết xe đổ của Hy Lạp ngày nay hay Argentina trước đây.

Là quốc gia đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, Việt Nam rất cần vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng. Có những thời điểm, đặc biệt là giai đoạn 2007 - 2011, Việt Nam đã chấp nhận vay nợ để đầu tư.

Cả nước khi đó được ví như một đại công trình, vốn đầu tư toàn xã hội tương đương 41,9 - 46,5% GDP, chỉ số ICOR bình quân khoảng 7 lần. Việc đẩy mạnh đầu tư cũng có tác dụng là Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, nhưng đã đẩy chỉ số lạm phát tăng chóng mặt vào năm 2011 là 18,13%; năm 2010 là 11,75%; năm 2008 là 19,89% và năm 2007 là 12,63% khiến thu nhập thực tế của tuyệt đại đa số người dân bị giảm mạnh.

Trước tình thế này, Chính phủ đã gấp rút ban hành hàng loạt văn bản chấn chỉnh đầu tư công, vạch ra chiến lược đầu tư trung hạn như Chỉ thị 1792/CT-TTg (ngày 15/10/2011) về tăng cường quản lý đầu tư vốn từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ; Quyết định 958/QĐ-TTg (ngày 27/7/2012) về Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị 02/CT-TTg (ngày 14/2/2015) về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công; Chỉ thị 07/CT-TTg (ngày 30/4/2015) về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản bằng vốn đầu tư công, đặc biệt là Luật Đầu tư công vừa có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015.

Thực hiện các văn bản này, hàng loạt công trình chưa thực sự cần thiết đã bị buộc phải dừng khởi công, các công trình dở dang nếu chưa thực cấp bách cũng buộc phải dừng thi công tại điểm kỹ thuật; nghiêm cấm các địa phương đầu tư vào các công trình, dự án nếu không tìm được nguồn vốn…

Chính phủ còn đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội bằng hình thức BOT, BTO nhằm giảm đầu tư trực tiếp từ ngân sách cũng như đầu tư bằng vốn vay; tăng cường huy động vốn trong nước, hạn chế vay nước ngoài...

Người dân đánh giá cao những việc làm trên của Chính phủ; đánh giá rất cao việc Quốc hội khóa XII không chấp thuận chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam với số vốn đầu tư dự kiến lên đến 56 tỷ USD; đánh giá cao Quốc hội khóa XIII đã hết sức thận trọng khi thông qua chủ trương xây dựng Dự án sân bay Long Thành.

Đặc biệt, dư luận đánh giá rất cao hành động từ chối đăng cai tổ chức Asiad 18 (năm 2019) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù để tổ chức Asiad, theo tính toán của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nước chủ nhà chỉ phải bỏ ra… 150 triệu USD (bằng khoảng 10% so với các nước chủ nhà 17 kỳ Asiad trước đây).

Hy vọng, bài học của Hy Lạp, Argentina tiếp tục củng cố quyết tâm của Chính phủ là không đầu tư bằng mọi giá, coi hiệu quả đầu tư lên trên hết; giữ mức nợ công dưới mức Quốc hội cho phép (65% GDP), giảm bội chi và tiến tới cân bằng thu - chi. Kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng ổn định nếu an ninh tài chính đảm bảo. Ngược lại, một khi tình hình tài chính bất ổn, thì hậu quả sẽ khôn lường như nền kinh tế Hy Lạp đang gánh chịu.

Tin bài liên quan