(ĐTCK) Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam - tháng 9/2016 “Mọi trông đợi đều đổ dồn vào cải cách” vừa được giới thiệu, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC cho biết, dù còn một số lực cản như áp lực lạm phát, thậm hụt ngân sách, nhưng Việt Nam đang đi đúng hướng và nó sẽ giúp kinh tế Việt Nam có được đà tăng trưởng hàng đầu khu vực trong dài hạn.
Nhiều thách thức
Theo HSBC, Việt Nnam có một số tín hiệu tích cực như chỉ số PMI tháng 8 trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng tháng thứ 9 liên tiếp trong bối cảnh một số nước châu Á và hầu hết các nền kinh tế phương Tây đang phải vật lộn để giữ trên mức có tăng trưởng. Ngoài ra, nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa của Việt Nam vẫn khá mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vẫn có một vài điều quan ngại với kinh tế Việt Nam là lạm phát và thâm hụt ngân sách.
Về lạm phát, HSBC cho rằng, vấn đề này hiện không phải là một mối quan ngại lớn đối với Việt Nam vì vẫn được duy trì ở dưới mức mục tiêu 5%. Tuy nhiên, cũng cần phải theo dõi sát sao chỉ số này vì áp lực giá cả đang ngày càng tăng.
"Áp lực về lạm phát gia tăng sẽ làm giới hạn khả năng nới lỏng tiền tệ thêm nữa tại Việt Nam".
Lạm phát mỗi tháng đều tăng và trong tháng 9 đã đạt mức 3,3%. Trong khi đó, lạm phát cơ bản của tháng 9 cũng tăng đạt mức 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm nhẹ trong tháng 8.
Theo HSBC, giá cả thực phẩm, nhiên liệu, tăng học phí và tiền lương là những yếu tố gây áp lực đối với lạm phát.
Trong tháng 8, giá thực phẩm giảm nhẹ, nhưng đã tăng trở lại trong tháng 9 do nhiều vùng miền bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Trong khi giá xăng cũng đã được điều chỉnh liên tiếp trong 2 kỳ gần đây và học phí tăng từ năm học mới năm nay.
“Đến cuối tháng, kết quả lạm phát tháng 9 sẽ thể hiện rõ hơn mức độ ảnh hưởng của tăng giá xăng”, Báo cáo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia Việt Nam vừa quyết định tăng mức lương tối thiểu trung bình hàng tháng thêm 7,3% cho người lao động trên toàn quốc bắt đầu từ năm 2017. Mặc dù đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ năm 1997, nhưng mức tăng trung bình này vẫn còn cao hơn mức lạm phát hiện tại và vì vậy có thể sẽ tạo kỳ vọng lương sẽ tiếp tục tăng.
“Áp lực lạm phát gia tăng sẽ làm giới hạn khả năng nới lỏng tiền tệ thêm nữa tại Việt Nam. Trong khi đó, mặc dù hệ thống tài chính được cung cấp thanh khoản khá đầy đủ trong thời điểm này, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn khá “khó chịu”. Các ngân hàng vẫn tiếp tục thận trọng căn cứ vào các khoản nợ xấu lại tăng trong những tháng gần đây”, Báo cáo nhấn mạnh.
Ngoài lạm phát, thâm hụt ngân sách cũng là một quan ngại mà HSBC đưa ra. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), thâm hụt ngân sách đến ngày 15/8/2016 đã ở khoảng 111,5 ngàn tỷ đồng, tương đương với khoảng 44% dự toán cả năm. Tuy nhiên, theo HSBC, áp lực về thâm hụt ngân sách có thể sẽ tăng trong những tháng còn lại khi đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ gia tăng sau khi một nghị quyết của Chính phủ ban hành có hiệu lực. Mặt khác, nguồn thu ngân sách từ dầu thô và các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang giảm sút do giá nhiên liệu thấp và quá trình thoái vốn cổ phần của Nhà nước trong các DNNN.
Vẫn nhiều triển vọng tăng trưởng
Dù có những thách thức, nhưng theo HSBC, Việt Nam vẫn hứa hẹn nhiều triển vọng tăng trưởng khi Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như với Hàn Quốc, Nhật bản, EU... và Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) bắt đầu có hiệu lực từ năm nay. Vì vậy, ngay cả khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được triển khai, Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ việc gia tăng thâm nhập vào các thị trường của các đối tác thương mại chính.
“Tuy nhiên, cải cách trong nước vẫn có ý nghĩa quan trọng nhất cho sự tăng trưởng bền vững”, HSBC nhấn mạnh.
Để tăng nguồn thu, Bộ Tài chính sẽ thắt chặt quản lý thuế, đặc biệt là nợ. Mức thuế với xe hơi hạng sang nhập khẩu và xe đã qua sử dụng đã được điều chỉnh tăng thêm.
Chính phủ cũng đang cố gắng đẩy nhanh quá trình bán vốn các công ty Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình bán vốn đang gặp một số khó khăn do sự thiếu minh bạch về giá cả và thông tin nghèo nàn của các công ty. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đang cân nhắc sử dụng "phương pháp dựng sổ - Book building" trong việc bán cổ phần Nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước.
“Nhìn chung, Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng. Chắc chắn, cơ hội nới lỏng đang bị giới hạn có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai ngắn hạn, nhưng sự tiến triển ổn định về cải cách sẽ giúp kinh tế Việt Nam có được đà tăng trưởng hàng đầu tại châu Á”, các chuyên gia HSBC nhận định.