Mục tiêu cơ bản trong hợp tác quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thu hút ngoại lực

Mục tiêu cơ bản trong hợp tác quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thu hút ngoại lực

Hợp tác quốc tế theo quan điểm của Hồ Chủ tịch

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập, tự chủ, tự cường kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển.

Trong chỉ đạo cách mạng Việt Nam nói chung cũng như trong xây dựng đất nước nói riêng, Hồ Chí Minh thực hiện triệt để phương châm: độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” và “muốn người ta giúp mình thì trước hết mình phải giúp mình đã”. Người mong muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, không lệ thuộc vào ngoại bang, dựa vào những điều kiện, tiềm năng sẵn có của dân tộc để không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Thế nhưng, Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, biệt phái. Cùng với việc duy trì tính độc lập, tự chủ, Người chủ trương xây dựng khối đoàn kết quốc tế, quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác kinh tế quốc tế có nội dung rất rộng, có giá trị tham chiếu cho quá trình hội nhập quốc tế với lộ trình và bước đi thích hợp của Việt Nam trong điều kiện hiện nay. 

Nhu cầu khách quan

Quan điểm của Hồ Chí Minh về hợp tác kinh tế quốc tế được hình thành là kết quả của sự khảo sát thực tiễn, dựa vào truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, nhận thức quy luật vận động và xu thế phát triển của thời đại ngày nay. Người thấy rằng, hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển kinh tế đất nước là nhu cầu khách quan có tính quy luật phổ biến của mọi nền kinh tế, là điều kiện quan trọng đảm bảo thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó chính là nghệ thuật kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tiến trình phát triển.

Mở rộng hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển kinh tế là một tư tưởng lớn và hết sức nhất quán ở Hồ Chí Minh. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, ý thức được bản chất của quá trình quốc tế hóa và xu thế của thời đại, Hồ Chí Minh cho rằng: “Xét về mặt nguyên tắc, sự tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”#.

Sau Cách mạng háng Tám, quan điểm hợp tác kinh tế quốc tế lại được Hồ Chí Minh khẳng định: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn” và “sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thực thà”#.

Ngay từ tháng 12/1946, trong lời kêu gọi gửi Liên hiệp quốc, Người đã tuyên bố chính sách mở cửa của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên tất cả các lĩnh vực nói chung và kinh tế nói riêng. Theo đó, với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: “nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc…”.

Người cho rằng, như thế sẽ tốt cho kinh tế các nước Viễn Đông, “đó là sự khai thác tốt đẹp những nguồn lợi kinh tế và một tổ chức có hiệu quả cho an ninh ở Viễn Đông”. Có thể nói, Người đã có tầm nhìn về ngoại giao nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng.

Ngay khi tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh cũng tuyên bố: “Việt Nam có nhiều phụ nguyên, chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi”# để nhằm “một là xây dựng lại Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá; hai là để điều hòa kinh tế thế giới và giữ gìn hòa bình”#.

Miền Bắc được giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ dần lên chủ nghĩa xã hội, hợp tác kinh tế quốc tế càng cần thiết hơn. Hồ Chí Minh xác định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cần mở rộng công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp để nâng cao sức sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân. Chúng tôi cần nhiều dụng cụ, máy móc và hàng hóa của các nước, trong đó tất nhiên kể cả nước Nhật Bản. Và chúng tôi có thể cung cấp cho những nước ấy lương thực, cây công nghiệp và khoáng sản”#.

Đi trước thời đại

Quan điểm phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế luôn được Hồ Chí Minh quán triệt và kiên trì thực hiện trong suốt quá trình Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, hợp tác kinh tế quốc tế bao gồm những nội dung rất rộng, phải định hướng và tuân thủ các nguyên tắc nhất định.

Trước hết, hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển kinh tế phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền quốc gia dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, loại bỏ sự áp đặt hay sức ép trong quan hệ kinh tế bởi tác động của các mối quan hệ có liên quan đến quân sự, chính trị hay trật tự an ninh.

Tự lực, tự cường, xây dựng tiềm lực trong nước là điều kiện để mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Theo Người, độc lập của Việt Nam luôn luôn nhờ nơi lực lượng của Việt Nam, “phương châm của ta hiện nay là tự lực cánh sinh là chính, việc các nước bạn giúp ta là phụ”#, “ta được các nước bạn giúp tức là có thêm điều kiện để tự lực cánh sinh, chớ vì bạn giúp ta nhiều mà đâm ra ỷ lại”# và “các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta. Ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng cho ta, để phát triển khả năng của ta”#.

Về thực chất, Hồ Chí Minh đã xác định đúng vị trí và giải quyết chính xác phép biện chứng về mối quan hệ giữa nhân tố bên trong và bên ngoài, giữa nội lực và ngoại lực trong xây dựng và phát triển kinh tế; nhân tố bên trong, nội lực là chính, là quyết định; còn nhân tố bên ngoài, ngoại lực là phụ, nhưng lại rất cần thiết và quan trọng.

Trong tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh, quan điểm tự lực tự cường, tự lực cánh sinh gắn với mở rộng hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển kinh tế quốc dân là quan điểm hành động, nghĩa là trở thành ý chí, hành động thực tiễn không chỉ của Đảng, Chính phủ, mà của toàn dân, của cả dân tộc, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, trên mọi phương diện hoạt động và chỉ đạo kinh tế. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, phải có sự nhìn nhận khoa học về các đối tác trong mở rộng hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển kinh tế.

Về nguyên tắc, “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”#, mở rộng hợp tác với tất cả các đối tác. Tuy nhiên, do những tác động của lịch sử và các điều kiện khách quan, Hồ Chí Minh đã có những quan điểm chỉ đạo, xử lý mối quan hệ kinh tế đối ngoại phù hợp với từng đối tác cụ thể, căn cứ vào sự tương hợp về chính trị, lịch sử và địa lý, nghĩa là phải có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên.

Trước hết là coi trọng và mở rộng hợp tác toàn diện với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Thứ hai là các nước láng giềng và các nước bạn. Thứ ba là các nước lớn, có tiềm lực kinh tế và khoa học - kỹ thuật, có vị trí và vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế. Thứ tư là những nước đã có các quan hệ trong lịch sử, thuận lợi cho việc hiểu biết tâm lý người Việt Nam, hiểu biết những điều kiện tự nhiên và xã hội của đất nước và con người Việt Nam. Và thứ năm là các đối tác khác trên thế giới.

Lịch sử đã qua đi, nhưng lịch sử đã cho chúng ta một độ lùi cần thiết đủ để khẳng định quan điểm của Hồ Chí Minh về việc xác định đối tác mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế là những quan điểm đi trước thời đại và có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong công cuộc xây dựng nền kinh tế mở và hội nhập quốc tế hiện nay. 

Kế thừa và vận dụng

Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế quốc tế và thực hiện chính sách kinh tế đối ngoại, Hồ Chí Minh đã để lại nhiều quan điểm, chỉ dẫn quý báu, bổ ích, thiết thực mà ngày nay chúng ta có thể kế thừa và vận dụng, chủ yếu tập trung vào những hướng chính sau đây.

Thứ nhất, xác định đúng xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới, coi hợp tác kinh tế quốc tế là nhu cầu khách quan để có bước đi và tiến trình hội nhập đúng, chủ động, không chịu sức ép từ bên ngoài và tránh được những thách thức mà toàn cầu hóa đang đặt ra cho những nước lạc hậu, đang phát triển.

Thứ hai, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa chính sách đối ngoại và chính sách kinh tế đối ngoại, ưu tiên chú trọng và giải quyết quan hệ đối ngoại làm cơ sở cho quan hệ kinh tế đối ngoại. Muốn đạt được điều đó, cần xác định được thứ tự ưu tiên khi thiết lập quan hệ đối ngoại, các đối tác trên phạm vi quốc tế; quán triệt phương châm và nguyên tắc: mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác để cùng các bạn làm ăn trên tinh thần tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, chính sách đối ngoại vì thế phải nhằm mở rộng quan hệ kinh tế, mang lại sự tăng trưởng bền vững cho đất nước; đào tạo được một đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác đối ngoại mà trọng tâm là ngành ngoại giao có nhãn quan kinh tế; ngược lại, cán bộ làm kinh tế cũng là cán bộ ngoại giao.

Thứ ba, mở rộng quan hệ hợp tác, quan hệ kinh tế đối ngoại là để thu hút ngoại lực, nhằm phát huy nội lực. Sinh thời, mục tiêu cơ bản nhất mà Hồ Chí Minh kiên trì theo đuổi trong giao lưu, hợp tác quốc tế là thông qua đó mở rộng quan hệ hữu nghị, quan hệ kinh tế, thu hút ngoại lực nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân Việt Nam.

Ngày nay, để thực hiện di huấn của Hồ Chí Minh, cần giải quyết các vấn đề chủ yếu như: nhanh chóng hình thành đồng bộ hệ thống huy động vốn trong nước, tạo nội lực bên trong làm cho nền kinh tế ổn định trước những biến động của thị trường thế giới, khu vực, đồng thời tạo điều kiện hấp thụ vốn từ bên ngoài; tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng được nguồn nhân lực chất lượng cao đủ sức đáp ứng nhu cầu hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, cần cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn từ bên ngoài; rất thận trọng khi quyết định những dự án đầu tư vốn nước ngoài trên nhiều tiêu chuẩn, trong đó cần chú trọng tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ, bởi vì Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Đặt kế hoạch công nghệ cho đúng đắn và hợp lý là điều kiện chủ chốt trong việc tiêu dùng tiền của”.

Tin bài liên quan