Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vị thế của doanh nghiệp và những cam kết cải thiện môi trường kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vị thế của doanh nghiệp và những cam kết cải thiện môi trường kinh doanh.

Hội tụ niềm tin, thống nhất ý chí phát triển đất nước

41 năm trước, cả nước hướng về Sài Gòn - TP.HCM với niềm vui thống nhất đất nước. Năm nay, 2016, Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) lại một lần nữa là nơi phát đi thông điệp về niềm tin và sự hứng khởi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vào giai đoạn phát triển mới của đất nước.     

Những người lính thời bình

Vốn không phải là người dễ chia sẻ với truyền thông, nhưng hôm nay, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Chủ tịch Công ty Thành Công không giấu nổi sự hứng khởi.

“Chúng tôi đến Hội trường Thống Nhất với tâm thế tin vào sự phát triển mới của kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới. Với sự hậu thuẫn của Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo nên những giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế”, ông Thành chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp năm 2016.

Không phải đơn giản để có được niềm tin vào một môi trường kinh doanh thuận lợi từ ông Đặng Văn Thành. Từng là người lính, xuất ngũ rồi trở thành một trong thế hệ doanh nhân đầu tiên của TP.HCM sau ngày thống nhất đất nước, là chủ cơ sở sản xuất rỉ mật Thành Công từ cuối những năm 1980, ông Đặng Văn Thành đã chứng kiến những bước thăng trầm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp bước ra từ chiến tranh, rồi ngập ngừng bước vào nền kinh tế thị trường... Cho dù rất khó khăn, nhưng chính thế hệ doanh nhân này đã góp phần đặt nền móng cho nền kinh tế thị trường đang hướng tới hiện đại của nước Việt Nam thống nhất.

Và nay, bỏ lại sau lưng không ít biến cố trong sự nghiệp gần 35 năm kinh doanh, ông Đặng Văn Thành tin rằng, “mọi việc chắc chắn sẽ thay đổi”. “Chúng tôi là những người lính thời bình. Chúng tôi nhận thức được vai trò của doanh nhân trong phát triển đất nước. Chúng tôi mong muốn đất nước phát triển. Đây là điều quan trọng nhất tôi muốn nói tại Hội trường Thống Nhất ngày hôm nay”, ông Thành tâm sự.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cũng có tâm trạng tương tự, vui và tin tưởng, nhưng đi kèm đó là sự hối thúc. Ông Vũ gọi cuộc gặp này là “Hội nghị Diên hồng về kinh tế”, để doanh nghiệp đề đạt, hiến kế với Chính phủ, vì thời gian không còn nhiều.

“Hội nhập sâu rộng khiến thời gian cải thiện năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam ngắn đi. Rồi thời kỳ dân số vàng của Việt Nam cũng sắp qua đi, trong vòng khoảng 20 năm tới, sau đó là tăng trưởng chậm lại. Nhưng thế yếu vẫn đang nghiêng về doanh nghiệp Việt Nam, nên với tôi, điều muốn nói lúc này là thời điểm để nói bây giờ, hoặc không bao giờ nền kinh tế Việt Nam thăng hạng, doanh nghiệp hội nhập được”, ông Vũ chia sẻ điều muốn gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Sự sốt ruột của ông Vũ cũng dễ hiểu, khi bức tranh doanh nghiệp Việt Nam sau 16 năm có Luật Doanh nghiệp vẫn còn nhiều góc khuất. Quy mô doanh nghiệp vẫn quá nhỏ, 96% trong số hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Quy mô bình quân các doanh nghiệp xét theo tiêu chí lao động đã giảm đi trong những năm qua, bình quân mỗi doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 chỉ có 29 lao động, giảm so với quy mô 49 lao động của năm 2007. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước tập trung nhiều vào các lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ, bất động sản, tài chính, ngân hàng…, mà ít chú trọng đầu tư vào sản xuất.

Số doanh nghiệp như của ông Thành, ông Vũ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến không nhiều. Thậm chí, cả nước mới chỉ có 1% số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp.

Niềm tin hội tụ

Rất có thể, chính những thông điệp từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp đã thôi thúc niềm tin và trách nhiệm của cộng đồng này trong giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế.

Cả một buổi sáng ngày 29/4, ông Thành, ông Vũ và hơn 1.000 doanh nhân có mặt tại Dinh Thống Nhất đã liên tục dành những tràng vỗ tay trong những lần phát biểu đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp.

Nhất là khi Thủ tướng đã gọi họ là những người tiên phong trong phát triển, mà Chính phủ phải lắng nghe, phải tạo điều kiện, bảo vệ, bảo đảm tài sản, không hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế.

Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra rằng, trong quá trình 30 năm phát triển, sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Nhưng cũng chính trong 30 năm đó, rào cản, trở lực với doanh nghiệp còn nhiều, mà nếu không có chúng, doanh nghiệp Việt Nam đã có thể phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Chính vì vậy, khi Thủ tướng cam kết “Chính phủ sẽ tháo gỡ mọi rào cản, đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy nhà nước” vì “một đất nước đã vững vàng vượt qua chiến tranh, đã giành được thống nhất, thì không thể không lớn được trong hòa bình”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco đã đăng đàn nói: “Kinh tế Việt Nam sẽ thành công rực rỡ như cuộc Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mà cha ông đã làm được. Trong thành công này, doanh nghiệp nhận trách nhiệm thực hiện hết mình”.

“Chính phủ hãy có chính sách bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Doanh nghiệp sẽ đảm bảo liêm chính. Người dân, người tiêu dùng cùng giám sát công việc này”, ông Dương cam kết.

Cũng không dễ dàng để nói ngay được vấn đề này, nhất là khi môi trường kinh doanh Việt Nam đang tồn tại khá nhiều “ngõ ngách”, thuận cho những mối quan hệ ngầm hơn là các thương vụ làm ăn minh bạch, công bằng. Gánh nặng chi phí, nhất là chi phí ngầm, đang khiến các doanh nghiệp trở nên yếu ớt. Thậm chí, trong báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các khoản thuế, phí ở Việt Nam hiện đã chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp - mức cao nhất trong khu vực.

Đó là chưa kể tới chi phí “xin - cho” từ hơn 6.000, thậm chí còn nhiều hơn thế, các loại giấy phép con, mà 16 năm nay, cuộc chiến để loại bỏ chúng vẫn chưa có kết quả như mong đợi.

“Chưa bao giờ doanh nghiệp cần Chính phủ nói và đi đôi với hành động như vậy. Nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải là những người liêm chính, hành xử minh bạch, tạo ra năng lực  cạnh tranh, tạo ra giá trị trước khi tạo ra lợi nhuận. Các doanh nhân đừng tạo ra lợi nhuận bằng mọi giá”, ông Vũ thẳng thắn.

Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Hồ Chủ tịch đã mong ước sau khi thống nhất sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân sẽ thực hiện mong ước của Bác, nhưng tiên phong vẫn là đội ngũ doanh nghiệp. Doanh nghiệp tạo việc làm, tạo ra GDP, tạo ra hàng hóa, xuất khẩu. Chính phủ sẽ lắng nghe và tạo điều kiện cho những người tiên phong.

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, với tư cách một đảng lãnh đạo, nhà nước pháp quyền, do dân, vì dân, chúng ta cũng cần nhìn nhận thực chất bức tranh hiện tại. Chúng ta đã nỗ lực nhiều, hành động nhiều, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta vẫn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển.

Để giải quyết, Chính phủ có những thông điệp như sau:

Một là, Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Hai là, trừ một số lĩnh vực, các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực (vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường..) và cơ hội kinh doanh.

Ba là, Nhà nước đảm bảo sự ổn định, lâu dài của chính sách để đảm bảo tính tiên lượng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm, đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách, văn bản pháp luật quy định rõ một vấn đề, một cơ quan chịu trách nhiệm và hướng tới người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng.

Năm là, các quy định về điều kiện phải lượng hóa được, minh bạch, dễ hiểu để nhà đầu tư, doanh nghiệp tự đánh giá được việc tuân thủ, đáp ứng được yêu cầu với chi phí tuân thủ thấp, giảm rủi ro pháp lý trong kinh doanh.

Sáu là, quản lý nhà nước phải đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tập trung vào hậu kiểm và kết quả đánh giá hiệu lực quản lý.
Bảy là, thanh tra, kiểm tra, giám sát cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư tuân thủ tốt các quy định kinh doanh.

Tám là, các quy định của Nhà nước phải tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tuân thủ, nhận khó khăn về phía cơ quan nhà nước theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Chín là, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tại Hội nghị này, tôi cũng khẳng định lại đường lối của Đảng, Chính phủ là coi doanh nghiệp tư nhân là động lực của phát triển kinh tế.

Mười là, không lạm quyền, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Xử lý nghiêm việc tùy tiện hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp”.n

(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp, sáng 29/4, tại Hội trường Thống Nhất )

Tin bài liên quan