Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: sẽ đi trúng đích

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: sẽ đi trúng đích

(ĐTCK) Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉnh sửa đã làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành liên quan và địa phương, bảo đảm việc triển khai Luật thiết thực và hiệu quả trên thực tiễn.

Mới đây, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến các đoàn đại biểu để tiếp tục hoàn thiện chuẩn bị trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XIV.

Dự thảo được giới chuyên gia đánh giá đã tiếp thu theo hướng phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như mục tiêu đẩy mạnh hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với 7 điểm mới được bổ sung, sửa đổi trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp vừa qua, Dự thảo đã thiết kế các hỗ trợ cơ bản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ theo mục tiêu có chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ nền kinh tế.

Dự thảo được thiết kế theo hướng tuân thủ nguyên tắc thị trường, hỗ trợ có thời hạn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định sản xuất, kinh doanh trên các khía cạnh: tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, hỗ trợ mặt bằng sản xuất.

Dự thảo đã chỉnh sửa các chương trình trọng tâm trước đây theo hướng các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mục tiêu và đưa ra các nguyên tắc tạo sự linh hoạt cho Chính phủ dễ hướng dẫn, dễ thực hiện; thiết kế các phương án để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực hỗ trợ, thu hẹp đối tượng hỗ trợ để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng và đạt hiệu quả hỗ trợ theo mục tiêu.

Cũng theo ông Hùng, dự thảo Luật đã làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành liên quan và địa phương, bảo đảm việc triển khai Luật thiết thực và hiệu quả trên thực tiễn.

Để tăng tính khả thi của Dự thảo Luật, các nội dung hỗ trợ được cụ thể hóa tại các điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, góp phần làm tăng tính khả thi của Luật như 4 nghị định hướng dẫn Luật, gồm: Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng; Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Về phía đối tượng áp dụng của Luật, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khẳng định, Hiệp hội hoàn toàn nhất trí với dự thảo mới, trên cơ sở đã tiếp thu các góp ý trước đó. Đặc biệt, về hỗ trợ cơ bản, các nội dung bổ sung chỉnh sửa đưa ra những hỗ trợ mang tính căn bản, là những hỗ trợ cần thiết với doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được bổ sung và quy định khá rõ.

“Dự thảo Luật đã nêu định hướng hỗ trợ thông tin tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là điều mà doanh nghiệp rất thiếu. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực, hỗ trợ thuế là thiết thực và lâu dài”, ông Nam nhấn mạnh và cho biết thêm, trong mọi chính sách hỗ trợ thì nội dung hỗ trợ về nhân lực và thuế với doanh nghiệp nhỏ và vừa được hầu hết các quốc gia áp dụng.

Liên quan đến tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự thảo Luật mới nhất đưa ra 2 phương án về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, phương án 1 là xác định trên tiêu chí tổng nguồn vốn (dưới 100 tỷ đồng) hoặc số lao động bình quân từ 300 lao động. Phương án 2 ngoài các tiêu chí trên thì có bổ sung thêm tiêu chí có tổng doanh thu dưới 100 tỷ đồng.

Ông Nam cho rằng, nên chọn phương án hỗ trợ thuế theo quy mô doanh nghiệp, thay vì phương án áp dụng một mức thuế chung cho tất cả doanh nghiệp như đề xuất, vì nếu áp theo tiêu chí doanh thu 100 tỷ đồng sẽ hạn chế số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ và dễ bị hiểu lầm.

Liên quan đến hỗ trợ về thuế, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp cho rằng, tiêu chí hỗ trợ thuế cần được làm rõ hơn để khi Luật được thông qua có thể đạt được hiệu quả và tính khả thi cao nhất trong nội dung hỗ trợ này.

Hiện dự thảo Luật đưa ra hai phương án hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó, phương án 1 quy định áp dụng một mức thuế chung cho tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, doanh nghiệp thuộc khu vực này được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thông thường áp dụng cho doanh nghiệp.

Phương án 2 là áp dụng các mức thuế theo quy mô doanh nghiệp: doanh nghiệp vừa được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thông thường áp dụng cho doanh nghiệp, ví dụ như 17%; doanh nghiệp nhỏ/siêu nhỏ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức áp dụng cho doanh nghiệp vừa/doanh nghiệp nhỏ, ví dụ 13 - 15%; hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp chuyển quy mô từ siêu nhỏ lên nhỏ; từ nhỏ đến vừa được áp dụng mức thấp hơn trong thời hạn 3 năm. 

Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Cần lưu ý tên gọi của Dự án Luật trên cơ sở làm rõ khái niệm và một số điều khoản cụ thể định nghĩa doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ. Đồng thời, phân tích cơ cấu của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa để làm rõ chủ thể được hưởng ưu đãi, từ đó có những chính sách hỗ trợ tương xứng vì hỗ trợ cần có điều kiện, có cơ cấu chứ không phải hỗ trợ một cách tràn lan.

Tin bài liên quan