Bác Hồ đi thăm dây chuyền sản xuất và vận chuyển than ở khu mỏ Quảng Ninh

Bác Hồ đi thăm dây chuyền sản xuất và vận chuyển than ở khu mỏ Quảng Ninh

Hồ Chủ tịch với tư duy phát triển kinh tế để kiến quốc

Những quan điểm về kháng chiến, kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị khi chúng ta đang xây dựng mô hình Chính phủ liêm khiết, Chính phủ kiến tạo trong điều kiện mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Lên kế hoạch kiến thiết nước nhà

Cách  đây 70 năm, ngày 10/1/1946, trong bài phát  biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi. Và đang lo củng cố. Lúc này chúng ta có hai nhiệm vụ là kháng chiến và kiến quốc. Các chiến sỹ đã hy sinh cho cách mạng thành công và đang hy sinh để giữ vững đất nước. Còn các ngài, đã đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội. Các ngài xứng đáng là những chiến sỹ xung phong”.

Đây là cách mà Hồ Chí Minh đặt vấn đề với “những nhà có tài năng tri thức” của Chính phủ trong việc thực hiện khẩu hiệu kháng chiến, kiến quốc theo Chỉ thị kháng chiến, cứu quốc. Theo đó, kiến quốc là một trong hai nhiệm vụ cơ bản mà Chính phủ ta đặc biệt quan tâm sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Đi đôi với việc tổ chức, lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều biện pháp quan trọng nhằm cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.

Để giúp Chính phủ nghiên cứu và xây dựng một kế hoạch kiến thiết nước nhà, ngày 31/2/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, gồm 41 thành viên, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ. Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để  kiến thiết đất nước về kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và nghiên cứu các dự án kiến thiết khác.

Với thiên tài của một nhà tổ chức, Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu đối với Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc là: “Tôi mong rằng, các ngài cũng đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết. Các ngài sẽ là những cố vấn có kinh nghiệm, có tài năng của Chính phủ. Chúng ta cố gắng thực hiện khẩu hiệu kháng chiến, kiến quốc để thực hiện: Có sức giúp sức, có tài năng giúp tài năng”.

Như vậy, với một thái độ nhất quán và chân thành của một nhà cách mạng lỗi lạc, Hồ Chí Minh cho thấy, đứng trước các nhiệm vụ sống còn của dân tộc, mọi người Việt Nam, dù ở vị trí nào, cũng cần đem hết khả năng và lòng yêu nước sẵn có để thực hiện. Điều này đúng như quan điểm của Người rằng, “Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”, khi Người trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, trong bài Kính cáo đồng bào, năm 1941.

Trong bài phát biểu với các nhà trí thức và tài năng trong Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, mặc dù rất ngắn gọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một tiêu chuẩn giá trị xác định của tự do độc lập mà không mấy nhà cách mạng dân chủ nào trên thế giới có thể dễ dàng xác lập được, đó là: “Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. 

Tiêu chuẩn chân lý

Hồ Chí Minh đã để lại một tiêu chuẩn chân lý, thước đo giá trị của tự do độc lập, của chế độ dân chủ thực sự, có khả năng loại trừ khỏi thang giá trị những gì là triết chung, ngụy biện, hào nhoáng, mị dân của mọi thứ kế hoạch, kiến tạo ở các chính sách nhà nước, khi nó không đi vào được thực tiễn, không mang lại cơm no, hạnh phúc cho dân chúng thật sự.

Từ quan điểm này, Chủ tịch của Nhà nước Cộng hòa non trẻ Việt Nam đã chỉ ra cho “các ngài cũng đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết” của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, trên các mặt kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa…, có sức giúp sức, có tài năng giúp tài năng, cùng toàn dân đuổi giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; vận động nhân dân xây dựng đời sống mới và coi đó là biện pháp hiệu quả nhằm xóa bỏ những tàn dư lạc hậu do chế độ cũ để lại. Đó cũng là biện pháp từng bước giáo dục các tầng lớp nhân dân nhận thức được tính ưu việt của chế độ mới và trách nhiệm của mình đối với xã hội.

Ngay cả đối với hai cơ quan lớn nhất của Nhà nước, Hồ Chí Minh cũng nêu rõ những khó khăn và đề ra những nhiệm vụ: “Quốc hội và Chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn, nhưng tôi tin chắc rằng, quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc và như thế thì dù khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công”.

Cũng tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc này, Hồ Chí Minh đưa ra một chỉ dẫn thiết thực, khoa học và cách mạng về mục đích, động lực và phương thức hoạt động của Nhà nước Việt Nam mới phải làm ngay:

“1.Làm cho dân có ăn.

2. Làm cho dân có mặc.

3. Làm cho dân có chỗ ở.

4. Làm cho dân có học hành.

Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

Xác định mục tiêu một cách hiện thực và dung dị các tiêu chí phấn đấu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản quý giá về tiêu chí định hướng hoạt động, về phương thức tồn tại của Nhà nước Việt Nam dân chủ mới, khi Người lấy việc thỏa mãn những nhu cầu thiết thực của nhân dân là: ăn, mặc, ở, học hành là cái đích mà dân chúng cần được thỏa mãn, vì dân chỉ biết rõ được các giá trị thực của tự do độc lập và có như thế, dân nước ta mới xứng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập.

Để có được những luận điểm về giá trị và phương thức đạt được những giá trị đích thực trên từ cả hai phía là Nhà nước và nhân dân trong không gian ở một chế độ dân chủ, pháp quyền có nền kinh tế, văn hóa, hành chính và pháp lý tiến bộ; tư duy Hồ chí Minh luôn hướng tới việc thỏa mãn những nhu cầu của các tầng lớp nhân dân lao động là ưu tiên số một, trước tiên và có độ thực thi cao nhất đối với từng đối tượng tầng lớp nhân dân cụ thể.

Đối với giới công thương, Hồ Chủ tịch cho rằng, việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. “Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công việc ích quốc lợi dân”.

Đối với nông gia Việt Nam, trong thư gửi họ, Hồ Chí Minh viết: “Loài người ai cũng “dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước cần phải ăn); nước ta thì “dĩ nông vi bản” (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ăn no thì phải giồng giọt cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp… Chúng ta thực hiện “tấc đất, tấc vàng” thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyề tự do, độc lập”.

Đối với anh em viên chức, Hồ Chí Minh căn dặn: “Vậy để giúp Chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có bốn đức tính là: cần, kiệm, liêm, chính”. Với đội ngũ cán bộ trong Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh tin rằng, “với kinh nghiệm, với học thức, với sự quyết tâm của các ngài, việc kháng chiến nhất định thành công và nền tự do, độc lập nhất định vững vàng”.

Tin bài liên quan