Ngay khi CPTPP có hiệu lực, Canada sẽ giảm 42% thuế với sản phẩm dệt may Việt Nam. Trong ảnh: Xưởng sản xuất áo sơ mi của Công ty May 10.

Ngay khi CPTPP có hiệu lực, Canada sẽ giảm 42% thuế với sản phẩm dệt may Việt Nam. Trong ảnh: Xưởng sản xuất áo sơ mi của Công ty May 10.

Hiệp định CPTPP: Lợi ích không chỉ nằm ở các con chữ

Các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng CPTPP sẽ mở thêm thị trường mới. Nhưng cơ hội chỉ có thể chạm được khi từng điều khoản của hiệp định này được cả cơ quan hoạch định chính sách và doanh nghiệp nghiên cứu, mổ xẻ và bắt tay thực hiện ngay.

Người chơi chưa cất tiếng

Ngay khi CPTPP có hiệu lực, Canada cam kết loại bỏ thuế ngay lập tức cho 42% các dòng thuế đối với sản phẩm dệt may Việt Nam vào nước này.

Không cần viện đến sự phân tích của các chuyên gia, cũng có thể thấy, đây là cơ hội đặc biệt quan trọng, mở ra lợi thế cạnh tranh lớn cho dệt may Việt Nam với thị trường mà Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại song phương này.

Canada hiện là thị trường nhập khẩu dệt may lớn của thế giới, trong khi đó, nhập khẩu dệt may từ Việt Nam mới chiếm 2% tổng nhập khẩu dệt may của Canada.

Ngay cả Nhật Bản, thị trường quan trọng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mặc dù đã có hai hiệp định thương mại với Việt Nam, nhưng vẫn giữ mức thuế 3,5% đối với thủy sản tươi sống và 7,3% đối với thủy sản chế biến của Việt Nam nhập khẩu vào nước này.

Dù có CPTPP hay không, thì môi trường chính sách, môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn quyết định sức khỏe của doanh nghiệp 

Nếu CPTPP có hiệu lực, các mức thuế này tiếp tục được giảm sâu và loại bỏ, tạo ra lợi ích đáng kể so với những gì hai bên đang có.

“Nhưng lúc này, không thấy nhiều doanh nghiệp và cả các hiệp hội đề cập đến những nội dung rất chi tiết như vậy. Hai năm trước, khi TPP được công bố, doanh nghiệp đã bắt đầu tìm hiểu. Mọi việc chững lại khi Mỹ rút ra.

Tuy nhiên, nếu chỉ tìm kiếm thông tin trên các văn kiện được công bố thì không đủ cho các kế hoạch hành động”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) chia sẻ ngay trước thềm CPTPP được ký kết tại Chi-lê vào ngày 8/3.

Nếu nói về thông tin mà doanh nghiệp Việt Nam có thể có được từ một hiệp định thương mại tự do, thì CPTPP là văn kiện đến được doanh nghiệp sớm nhất, tính từ thời điểm tháng 11/2015, khi toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được công bố. Mặc dù CPTPP có thay đổi so với TPP, nhưng chủ yếu ở phần thành viên, hiệu lực, điều kiện có hiệu lực…

Nội dung các cam kết không thay đổi nhiều, chủ yếu là ở phần liên quan đến thành viên đã rút ra khỏi TPP là Mỹ và khoảng 20 điều khoản tạm hoãn.

Nghĩa là, cơ hội và cả thách thức mà các doanh nghiệp có thể nhận được hay đối mặt tương tự như TPP.

“Chúng tôi đang khởi động việc đánh giá tác động của các cam kết tới từng ngành, nhóm ngành cụ thể. Vì văn kiện là văn kiện, nhưng việc hiểu và vận dụng đến từng ngành lại là câu chuyện rất khác”, bà Trang cho biết.

Trách nhiệm người cầm cờ 

Mặc dù hiện thực hóa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do là việc của từng doanh nghiệp, nhưng phải thẳng thắn, với CPTPP, một mình doanh nghiệp sẽ không làm được nhiều.

Thậm chí, những nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản về tác động CPTPP tới từng thành viên cho thấy, CPTPP giúp tăng 1,1% GDP Việt Nam từ các cam kết thuế quan và giúp tăng 9,29% GDP Việt Nam từ các cam kết phi thuế, cao hơn gấp nhiều lần so với trung bình lợi ích mà TPP mang lại cho GDP của các thành viên.

Bởi, so với các hiệp định thương mại tự do thế hệ trước vốn chỉ tác động đến các quy định tại đường biên giới, CPTPP ảnh hưởng đến chính sách, quy định pháp luật sau đường biên giới, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực như đầu tư, mua sắm công, các vấn đề về lao động…, chứ không chỉ thương mại.

“Dù có CPTPP hay không, thì môi trường chính sách, môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn quyết định sức khỏe của doanh nghiệp.

Có thể nói, tận dụng được cơ hội hay hóa giải thách thức từ CPTPP như thế nào, thậm chí là khỏa lấp những thiếu hụt do Mỹ không tham gia phụ thuộc vào các hành động cải cách thể chế cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như các kế hoạch thực thi cam kết của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước”, bà Trang nói.

Đây là lý do mà VCCI đang lên kế hoạch cùng với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tham gia vào vận động chính sách, đảm bảo các thay đổi về pháp luật kinh doanh tới đây theo sát được nhu cầu, đòi hỏi thực tế của cộng đồng kinh doanh, cũng là cách thức tạo áp lực để các cơ quan quản lý nhà nước chuyển hóa được các quyết tâm cải cách của Chính phủ vào các quy định cụ thể.

Đây là việc không dễ làm, nhưng theo các chuyên gia, không thể chậm trễ hơn, đòi hỏi sự tham gia thực chất và có trách nhiệm của cả các chuyên gia đàm phán, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp.

Nhìn lại giai đoạn thực hiện các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều cơ hội mà WTO cho phép đã bị bỏ lỡ, như các biện pháp phòng vệ thương mại sau 10 năm gia nhập WTO mới được thực hiện, trong khi một số ngành, lĩnh vực Việt Nam đã mở cửa sớm hơn cam kết khi năng lực chưa sẵn sàng…

Ngay cả giai đoạn chuẩn bị thực hiện TPP vào năm 2016, khảo sát của VCCI với 200 hiệp hội doanh nghiệp về hiệu quả công tác tuyên truyền cam kết và rà soát quy định của các bộ, ngành đã cho kết quả đáng lo ngại, khi chỉ 50% phần việc là có hiệu quả.

“Doanh nghiệp cần biết rõ các cơ quan quản lý nhà nước đang rà soát các văn bản thế nào, sẽ sửa đổi ra sao để cùng tham gia đề xuất chính sách.

Đây là việc cần phải được thực hiện thận trọng, minh bạch và thống nhất theo định hướng rõ ràng vì tác động là liên ngành”, bà Trang đề xuất.

Tin bài liên quan