Việt Nam hiện chưa tận dụng hết công suất của ngành logistics

Việt Nam hiện chưa tận dụng hết công suất của ngành logistics

Hiến kế để ngành logistics Việt đỡ lạc nhịp

(ĐTCK) Tại diễn đàn “Logistcs: Từ kế hoạch tới thực thi để kết nối giá trị toàn cầu” vừa được tổ chức tại TP. HCM, các chuyên gia trong ngành cho rằng, để phát huy hết năng lực của ngành dịch vụ được ví như “trái tim” của ngành xuất khẩu này, bên cạnh việc nhanh chóng đưa bản Dự thảo Kế hoạch hành động logistics quốc gia đi vào ứng dụng, các doanh nghiệp logistics, cũng như các bộ, ban ngành liên quan còn nhiều việc phải làm.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ, kiểm tra chuyên ngành (liên quan đến ngành hải quan) và năng lực logistics là những điểm khiến chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam năm 2016 tụt hạng.

Số liệu khảo sát của VLA năm 2016 cho thấy, quy mô của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn nhỏ, dịch vụ còn mang tính đơn lẻ và tính tích hợp chưa cao. Cùng với đó, nguồn nhân lực cho ngành logistics vẫn chưa được chuẩn hóa và đây là một vấn đề lớn. Theo VLA, đến năm 2030, ngành này sẽ cần tới 200.000 nhân lực có chất lượng cao cả về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh chuyên ngành theo quy định của ASEAN…

“Chi phí logistics chiếm tới trên 20% tổng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành và Việt Nam cũng chưa có bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ chung cho toàn ngành logistics…”, ông Hiệp nói.

Cũng bày tỏ sự quan ngại, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) cho hay, dịch vụ logistics tại Việt Nam đang tạo ra sức ép cho các ngành xuất khẩu.

“Ngành dịch vụ quan trọng này đang có nhiều rào cản, chẳng hạn: hạn chế về cơ sở hạ tầng, sự điều phối chưa đồng bộ của các ban ngành chức năng… Theo đó, để tháo gỡ khó khăn, ngành logistics không chỉ cần cơ chế, mà các bên liên quan còn cần phải được đối thoại thường xuyên, để cùng nhau tìm hiểu, cùng nhau ‘gỡ vướng’”,  ông Dione nhìn nhận.

"Hạ tầng và dịch vụ vận chuyển tại các cảng biển chính là các hạn chế lớn nhất đối với ngành logistics Việt Nam hiện nay"

- Ông Charles Kunaka, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB.

Được biết, hiện tại, các chuyên gia của WB và các bộ, ban ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải… đang gấp rút lấy ý kiến của các doanh nghiệp và những thành viên có liên quan khác để hoàn tất bản Dự thảo Kế hoạch hành động logistics quốc gia.

Ông Charles Kunaka, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho rằng, Việt Nam cần có kế hoạch hành động quốc gia về logistics, bởi chi phí dịch vụ vận chuyển của Việt Nam hiện đang cao hơn so với các quốc gia có thu nhập trung bình (mức chi phí dịch vụ vận chuyển của các nước này vào khoảng 10-20% tổng chi phí hoạt động của doan nghiệp).

“Hạ tầng và dịch vụ vận chuyển tại các cảng biển chính là các hạn chế lớn nhất đối với ngành logistics Việt Nam hiện nay. Nếu cải thiện được thì dịch vụ logistics của Việt Nam sẽ phát triển hơn nhiều. Tất nhiên, đó chỉ là một trong chuỗi những vấn đề cần giải quyết để logistics có thể phát triển”, ông Kunaka nói và lưu ý rằng, trong khi Việt Nam vẫn đang bàn kế hoạch động lần thứ nhất để ngành phát triển, thì các thị trường trong khu vực đã “đi trước một bước”. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải thường xuyên cập nhật các dịch vụ tiến bộ mà quốc tế đang áp dụng…

Tại Diễn đàn, để giải quyết vấn đề giảm chi phí cho dịch vụ logistics, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cần phải giảm được chi phí vận tải, bởi chi phí này thường chiếm hơn 50% trong chi phí dịch vụ logistics.

Đồng quan điểm, bà Jung Eun Oh, Trưởng ban Giao thông WB cũng cho rằng, ngành logistics Việt Nam nên chú ý đến cả các dịch vụ đặc thù khác, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển bằng xe tải cần được cải thiện nhiều hơn nữa. Bởi theo vị này, dịch vụ vận chuyển bằng xe tải hiện đang gặp khá nhiều vấn đề, điển hình là hơn 30% lượng di chuyển chiều về của xe là rỗng.

Cũng theo bà Jung Eun Oh, Việt Nam hiện chưa tận dụng hết công suất của ngành logistics. Trong khi cạnh tranh trong ngành này là vô cùng gay gắt, đặc biệt là cạnh tranh về cước phí và điều này thường kéo theo nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, giá vận tải thấp làm tăng chi phí logistics, và để đảm bảo cân bằng thu chi, thì ắt phải tăng số lượng chuyến hay tải trọng…, điều này dễ gây áp lực lên lái xe, dễ khiến hệ thống đường bộ nhanh xuống cấp…

“Việt Nam cần có chính sách giúp cải thiện về dịch vụ logistics nói chung, cũng như có quy định về mức dịch vụ tối thiểu cho dịch vụ vận chuyển bằng xe tải nói riêng. Cần phân tích và xác định nhu cầu logistics của từng khu vực, nhằm đảm bảo việc đầu tư được hiệu quả. Và quan trọng hơn là cần tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa để khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng của ngành logistics, trong bối cảnh ngân sách đầu tư có hạn như hiện tại…”, bà Jung Eun Oh đề xuất.       

Tin bài liên quan