Hành lang Kinh tế Đông - Tây tạo động lực phát triển cho Quảng Trị

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khi nói về ảnh hưởng của quá trình hợp tác hội nhập phát triển Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) đến Quảng Trị, một trong những tỉnh nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây và trục giao thông Bắc - Nam.
Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, một mắt xích quan trọng trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, một mắt xích quan trọng trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây

Ông Chính cho biết, sau khi cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Mekong nối Mukdahan và Savannakhet được khánh thành (ngày 19/12/2006), vai trò của EWEC đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị đã rõ ràng hơn. Từ đây, mở ra các cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường hàng hoá, dịch vụ ra nước ngoài, phát huy tối đa các nguồn lực bên trong và khai thác các nguồn lực bên ngoài, cải cách thủ tục hành chính, khai thác các tiềm năng về du lịch, thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

Được đánh giá là tỉnh có nhiều lợi thế khi nằm trên tuyến EWEC, Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Theo đó, Quảng Trị xác định tuyến EWEC trên địa bàn tỉnh là tuyến kinh tế động lực của tỉnh; lấy Quốc lộ 9 làm lợi thế khai thác phát triển kinh tế tổng hợp - gồm 3 vùng kinh tế động lực, đó là Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo; Thị xã Đông Hà; Khu kinh tế du lịch - dịch vụ Cửa Việt - Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ. Các cụm kinh tế phối hợp gồm cụm kinh tế Đakrông - Cam Lộ; cụm Thị xã Quảng Trị - Diên Sanh - Mỹ Chánh.

Trong các lĩnh vực của nền kinh tế, 3 lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch giữ vị trí hàng đầu, phấn đấu sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giữ vị trí trọng tâm, then chốt với tốc độ tăng trưởng cao, tạo sự chuyển dịch nhanh về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nông nghiệp hàng hoá và nông nghiệp ven đô phục vụ cho thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

Tỉnh Quảng Trị đang triển khai đúng theo Đề án Khai thác tuyến EWEC, trong đó, xác định ba vùng kinh tế động lực gồm: Khu động lực Lao Bảo, Khu động lực Đông Hà và Khu kinh tế động lực Cửa Việt - Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ.

Hiện tại, Quảng Trị đang trong hành trình cụ thể hóa các mục tiêu khai thác hiệu quả kinh tế, xã hội tốt nhất thông qua việc xây dựng Lao Bảo trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch tổng hợp; phấn đấu sớm trở thành thành phố phía Tây của tỉnh, kết hợp phát triển công nghiệp gia công, lắp ráp, chế biến nông - lâm sản và sản xuất hàng tiêu dùng, du lịch sinh thái rừng.

Riêng Khu động lực Đông Hà được phát triển kinh tế tổng hợp gắn với Khu công nghiệp Đông Hà và Khu công nghiệp Quán Ngang, đưa Đông Hà thành trung tâm thương mại - dịch vụ và công  nghiệp của tỉnh. Do là điểm cuối ở Quảng Trị của EWEC về phía Đông, Khu kinh tế động lực Cửa Việt - Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ đang được tập trung phát triển dịch vụ - du lịch sinh thái biển; công nghiệp vận tải; chế biến thuỷ - hải sản; đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; khai thác, chế biến khoáng sản.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Đức Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho biết, tận dụng mọi thời cơ phát triển từ EWEC, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành soạn thảo 9 báo cáo tiền khả thi và đề cương nhận diện Dự án và kêu gọi vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), lên danh mục đề xuất các dự án kêu gọi đầu tư và tài trợ.

Để phát triển EWEC mang tính hệ thống, ngày 23/5/2014, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết đính số 983/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch khai thác tiềm năng, lợi thế EWEC giai đoạn 2014-2015, tính đến năm 2020.

Việc kêu gọi các nhà đầu tư đến với Quảng Trị sẽ thuận lợi hơn nhiều khi một loạt chương trình, dự án hợp tác phát triển trên EWEC đã và đang được hoàn thiện. Một trong số đó là Dự án Nâng cấp Quốc lộ 9 có tổng vốn đầu tư 35 triệu USD. Đến nay, các hạng mục chính của Dự án đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn các hạng mục phụ trợ như: hệ thống đèn chiếu sáng và biển báo giao thông đang được thực hiện.

Về việc sử dụng vốn ODA, hai huyện Hướng Hóa và Đakrông đang triển khai Dự án Giảm nghèo miền Trung do ADB tài trợ, với vốn đầu tư 123 tỷ đồng; hai huyện Cam Lộ và Đakrông đang thực hiện Chương trình Phát triển nông thôn Quảng Trị giai đoạn III do Phần Lan tài trợ, với vốn đầu tư 10 triệu euro.

Ông Nguyễn Đức Chính nhận định, về cơ bản, tỉnh đã về đích với các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, với tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.616 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 875,62 tỷ đồng (không kể khoản thu tiền sử dụng đất 154 tỷ đồng); thu xuất nhập khẩu 586 tỷ đồng; trồng mới rừng tập trung: 5.500 ha, trồng mới cây công nghiệp dài ngày 1.000 ha (trong đó cà phê: 150 ha, cao su: 700 ha và hồ tiêu: 150 ha); sản lượng thủy, hải sản: 26.000 tấn.

Một trong những sự kiện lớn của Quảng Trị trong năm qua là việc tỉnh chủ trì và phối hợp với tỉnh Salavan tổ chức Lễ khai trương Cửa khẩu quốc tế La Lay và các hoạt động quảng bá nhằm tạo điều kiện thông quan hàng hóa, xuất nhập cảnh, giao thương và trao đổi du lịch văn hóa giữa Quảng Trị cũng như các tỉnh, thành phố miền Trung Việt Nam với các tỉnh Salavan, Champasak (Lào) và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan (Ubon Ratchathani, Amnat Charoen) và tỉnh Stung Treng (Campuchia) theo tuyến đường mới qua Cửa khẩu La Lay.

Tin bài liên quan