Hàng loạt công ty đa cấp bị xử phạt 'âm thầm'

Việc cơ quan quản lý xử phạt doanh nghiệp đa cấp chưa có giấy phép nhưng không công bố khiến người dân không được cảnh báo và có thể tiếp tục tham gia vào những đơn vị này.

Trong tài liệu được gửi lên Bộ Công Thương mới đây, Sở Công Thương - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết đã xử phạt 13 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trong nửa cuối năm 2015, thu về khoảng 1,2 tỷ đồng (chủ yếu là tiền phạt, còn lại là thu hồi lợi nhuận bất hợp pháp). Lỗi phổ biến nhất là kinh doanh đa cấp khi chưa có giấy phép. Tuy nhiên, việc xử phạt này đã không được công bố rộng rãi khi thực hiện.

13 doanh nghiệp đa cấp "chui" bị xử phạt nửa cuối năm 2015

Tên công ty Vi phạm Xử phạt
Công ty cổ phần Everrichs Global Tổ chức bán hàng đa cấp khi chưa có giấy chứng nhận. Kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy phép 102 triệu đồng, buộc nộp lại sốlợi bất hợp pháp 4,67 triệu đồng
Công ty Nhượng quyền thương mại quốc tế G10 Chưa có giấy phép bán hàng đa cấp 80 triệu đồng
Công ty cổ phần Thương mại Merro Chưa có giấy phép bán hàng đa cấp 90 triệu đồng và buộc nộp lại 3,2 triệu đồng số lợi bất hợp pháp
Công ty Thương mại quốc tế Focus Chưa có giấy phép bán hàng đa cấp và kinh doanh không đúng địa điểm đăng ký trong giấy phép kinh doanh 92 triệu đồng và buộc nộp lại 1,4 triệu đồng
Công ty Đầu tư toàn cầu Đại dương xanh Chưa có giấy phép bán hàng đa cấp 90 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp8,7 triệu đồng
Công ty New Power Việt Nam Chưa có giấy phép bán hàng đa cấp 80 triệu đồng và nộp lại số lợi bất hợp pháp là 11,6 triệu đồng
Công ty Công nghệ mới và phát triển quốc tế Amkey Việt Nam Chưa có giấy phép bán hàng đa cấp 90 triệu đồng,nộp lại số lợi 15 triệu đồng
Công ty Phát triển thương mại Lotus Chưa có giấy phép bán hàng đa cấp 80 triệu đồng, buộc nộp lại 10,7 triệu đồng
Công ty TNHH Tầm nhìn Đại Hưng 668 Chưa có giấy phép bán hàng đa cấp 80 triệu đồng
Công ty Xuất nhập khẩu và Thương mại TNC Chưa có giấy phép bán hàng đa cấp 80 triệu đồng
Công ty Đầu tư phát triển Union Chưa có giấy phép bán hàng đa cấp 80 triệu đồng
Công ty BigForest Chưa có giấy phép bán hàng đa cấp 80 triệu đồng
Công ty Đầu tư Median Việt Nam Chưa có giấy phép 80 triệu đồng

Lĩnh vực đa cấp vốn được coi là nhạy cảm sau khi nhiều hoạt động biến tướng bị phát hiện, gây không ít thiệt hại cho người tiêu dùng. Điển hình gần đây nhất là trường hợp Công ty Liên Kết Việt đã lôi kéo, lừa đảo 45.000 người bị phát giác. Việc xử phạt nhưng không công khai rộng rãi khiến người dân thiếu thông tin cảnh báo, dẫn đến việc dễ bị rơi vào ma trận của các công ty đa cấp không phép.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết để được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ thủ tục và ký quỹ số tiền rất lớn, dẫn đến nhiều trường hợp hoạt động trước để có nguồn thu rồi mới xin giấy phép.

Khi kiểm tra, nhiều doanh nghiệp cũng không chấp hành đầy đủ các quy định về cách trả thưởng, chế độ mua lại hàng hoá, kinh doanh hàng không có hoá đơn chứng từ, thông tin sai lệch về tính năng, công dụng cũng như lợi ích của việc tham gia mạng lưới... Các công ty đa cấp cũng buông lỏng quản lý, dẫn đến người tham gia vi phạm pháp luật.

Sở Công Thương cũng nêu những khó khăn về quản lý bán hàng đa cấp như các doanh nghiệp thường có trụ sở thay đổi liên tục, chọn nhiều căn hộ chung cư làm địa điểm hoạt động, khi bị kiểm tra thường bỏ trụ sở và thành lập công ty mới. Một số đơn vị có trụ sở tại Hà Nội nhưng lại có nhiều chi nhánh ở các vùng quê như Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hải Dương; hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thu tiền người tham gia...

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, đến nay có 51 doanh nghiệp đã thông báo hoạt động đa cấp, chủ yếu kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng... Trong đó, thực phẩm chức năng chiếm tới 80% số đăng ký.

Tin bài liên quan