khoa học công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển và năng suất lao động là yếu tố giúp Hàn Quốc gia nhập nhóm nước phát triển

khoa học công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển và năng suất lao động là yếu tố giúp Hàn Quốc gia nhập nhóm nước phát triển

Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm cải cách và phát triển bền vững quốc gia

(ĐTCK) Diễn đàn “ Cải cách quốc gia và phát triển bền vững Đông Nam Á” do Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Diễn đàn Oh-rae (Diễn đàn Hiện tại- Tương lai) của Hàn Quốc tổ chức vừa diễn ra chiều qua 24/3 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định tại Diễn đàn, chưa bao giờ quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lại có những bước phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp như trong thời điểm hiện tại.

Năm 2017, đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc (22-12-1992  - 22-12-2017).

Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư hơn 50 tỷ USD với khoảng 5.600 dự án còn hiệu lực.

Riêng trong năm 2016, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với hơn 5,5 tỷ USD vốn đăng ký của 828 dự án.

Việt Nam hiện là quốc gia tiếp nhận đầu tư lớn thứ 3 của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, thế giới hiện đang đứng trước rất nhiều biến động lớn và càng ngày càng khó lường. Những xu thế lớn, trái ngược nhau trên phạm vi toàn cầu đang đặt các quốc gia đứng trước những vận hội và thách thức rất lớn, đòi hỏi các quốc gia phải tiến hành cải cách, nhất là cải cách cơ cấu, mạnh mẽ và triệt để hơn để có thể tiếp tục tăng trưởng và phát triển, trong đó nhân lực và khoa học- công nghệ là hai lĩnh vực cốt yếu.

Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư hơn 50 tỷ USD với khoảng 5.600 dự án còn hiệu lực.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với trọng tâm là đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn lực với phát triển và ứng dụng KH&CN được xác định là một trong ba đột phá chiến lược của Việt Nam trong thời kỳ 2011-2020.

Đối với Việt Nam, nhiều câu hỏi đang đặt ra làm như thế nào để tận dụng được hiệu quả nhất những năm ít ỏi còn lại của thời kỳ dân số vàng cho tăng trưởng kinh tế, nhất là nâng cao năng suất lao động. Hay làm thế nào để nền khoa học và công nghệ của Việt Nam có thể hoà nhịp cùng chiều với cuộc cách mạng công  nghiệp lần thứ 4 của thế giới đang sắp sửa diễn ra. Hoặc Việt Nam cần tiến hành hợp tác quốc tế như thế nào để có thể tận dụng hiệu quả nhất những tri thức, kinh nghiệm mà các nước phát triển đi trước chia sẻ.

Đây là những vấn đề lớn mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc để đưa vào các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển quốc gia mà Bộ được Đảng và Chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng.

Năng suất lao động quyết định

Chủ tịch Diễn đàn Oh-rae Hahm Seung Heui nhấn mạnh, Việt Nam- Hàn Quốc là trục tâm của hoà bình và phát triển bền vững của khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm chung về văn hoá, lịch sử tương đồng về giai đoạn phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, ông đã nêu lên những điểm Việt Nam cần lưu ý trong phát triển kinh tế trước những bài học của các quốc gia như cơ cấu ngành công nghiệp; vấn đề doanh nghiệp nhà nước; tham nhũng…

Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm cải cách và phát triển bền vững quốc gia  ảnh 1

Diễn đàn “ Cải cách quốc gia và phát triển bền vững Đông Nam Á” 

Ông Hahm Seung Heui khẳng định, sự chia sẻ kinh nghiệm phát triển của các quốc gia có môi trường công nghiệp tương đồng trong số các nước công nghiệp mới nổi được gọi là "bốn con rồng của Đông Nam Á” sẽ giúp ích nhiều cho việc phá bỏ các nhân tố cản trở mà Việt Nam đang gặp phải cũng như đạt tầm nhìn trở thành nước công nghiệp phát triển.

Chia sẻ kinh nghiệm thoát khỏi nguy cơ bẫy thu nhập trung bình, ông Kim Byong Joon, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách Oh-rea cho rằng, vấn đề khoa học công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển và năng suất lao động là những yếu tố mấu chốt quyết định để tăng năng lực quốc gia, vượt qua các rào cản trong bối cảnh lợi ích quốc gia và các mối quan hệ lợi ích của cá nhân và tập thể không ngừng xung đột lẫn nhau, từ đó gia tăng tốc độ tăng trưởng một cách bền vững.

Theo TS. Nguyễn thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đề cập một thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay, đó là dù có nhiều cải thiện về năng lực canh tranh song Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các quốc gia trong khu vực có trình độ phát triển cao hơn, nhất là ở nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả, trong đó có giáo dục và đào tạo bậc cao, từ cấp phổ thông trung học trở lên.

Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, cần khẳng định nâng cao chất lượng lao động có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam để thực hiện chủ trương này và thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực; đồng thời, nâng cao chất lượng lao động cũng cần thiết để tiếp thu công nghệ và tận dụng cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế.

Bà Tuệ Anh đề xuất, cần phải tiếp tục thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp lớn đã được ban hành và nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo; nên có chính sách ưu tiên nguồn lực nhà nước cho đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo ở những ngành Việt Nam ưu tiên phát triển, có khả năng lan toả về công nghệ và năng suất; Khuyến khích rộng rãi và hỗ trợ khởi nghiệp kết hợp với đào tạo và nâng cao chất lượng lao động.

Đứng trên góc độ phát triển quốc gia bền vững, ông Sun Kyung, Giám đốc Tổ chức xúc tiến phát triển y tế công nghệ cao OSong (Hàn Quốc) cho rằng, tương lai của khoa học kỹ thuật sẽ phụ thuộc vào sự xuất hiện và trưởng thành của doanh nghiệp start-up trong môi trường nguồn nhân lực chuyên môn được bồi dưỡng tích cực.
Xã hội trong tương lai sẽ không phải là xã hội của chỉ khoa học kỹ thuật mà cùng với sự phát triển toàn diện của tổng hợp xã hội- văn hoá - nhân văn học, tổng thể xã hội sẽ có sự chia sẻ khoa học công nghệ; cùng với sự tăng trưởng sôi nổi của các giá trị của y tế, sức khoẻ và những nền công nghiệp mới thì chất lượng của cuộc sống cũng sẽ được nâng lên, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia
Tin bài liên quan