Quy hoạch tổng thể quốc gia là cách thức để đảm bảo việc sử dụng, phân bổ một cách hiệu quả nhất các nguồn lực quan trọng của đất nước

Quy hoạch tổng thể quốc gia là cách thức để đảm bảo việc sử dụng, phân bổ một cách hiệu quả nhất các nguồn lực quan trọng của đất nước

Hạn chế lãng phí nguồn lực quốc gia bằng Quy hoạch

(ĐTCK) Hiện trạng đáng báo động về vấn đề quy hoạch hiện nay sẽ được giải quyết như thế nào trong dự thảo luật Quy hoạch?

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có gần 20.000 bản quy hoạch đã và đang chuẩn bị xây dựng trên các lĩnh vực ngành nghề kinh tế - xã hội, tạo ra sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực quốc gia ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch trong văn bản pháp luật cũng đồ sộ không kém với 95 luật và pháp lệnh hiện hành có những quy định về quy hoạch, tạo ra một hệ thống thiếu quy hoạch, bất nhất, không đồng bộ và khó thực thi. 

Những vô lý

Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, quy hoạch nuôi cá tra, cá rô phi được coi là ví dụ điển hình của kiểu quy hoạch theo cơ chế tập trung bao cấp, không phù hợp với quy luật thị trường của nền kinh tế hiện nay.

“Cách thức quy hoạch này là rất vô lý, không dựa trên căn cứ nhu cầu thực của thị trường và nền kinh tế mà thực tế là lấy quy hoạch để tạo ra cơ chế “xin - cho” thông qua việc cho phép người này được xuất khẩu gạo, được nuôi cá, trong khi lại không cho phép chủ thể khác được thực hiện. Đây là điều kiện hạn chế kinh doanh, chứ thực sự không phải là quy hoạch”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói và nêu lên một thực tế bất cập đang tồn tại, đó là tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy hoạch ngành khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai các dự án đầu tư.

“Thực tế triển khai các bản quy hoạch cho thấy có sự mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí ngược hẳn nhau. Vấn đề ở chỗ, tất cả các bản quy hoạch đều có tính pháp lý ngang nhau. Điều này dẫn tới nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, kể cả nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước cũng gặp phải tình trạng vừa được phê duyệt, thỏa mãn được quy hoạch của ngành A thì bị ngành B tuýt còi vì vi phạm quy hoạch của ngành B. Đây là chuyện xảy ra thường xuyên”, ông Đông cho biết.

Tương tự, gần đây nhất có quy hoạch trồng cây mắc ca (của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch phát triển thủy điện được GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhắc tới tại Tọa đàm “Luật Quy hoạch với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế” như là những bản quy hoạch mang nặng tính lợi ích cục bộ hơn là tính toán đến lợi ích kinh tế - xã hội tổng thể dựa trên sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực và tài nguyên quốc gia. Kết quả, nguồn lực tài nguyên đất đai vẫn bị sử dụng phân bổ một cách thiếu hiệu quả, quy hoạch xây dựng vẫn thiếu đồng bộ, manh mún, đặc biệt việc xả lũ thủy điện tại miền Trung vừa qua gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho đời sống người dân, tác động trực tiếp tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, những quy hoạch mang nặng tính lợi ích cục bộ là tư duy còn rất nặng nề trong hầu hết các bộ, ngành, địa phương theo cách thức quy hoạch là trọng tâm của nền kinh tế.

“Tất cả những điều này cần phải thay đổi, trồng cây gì, nuôi con gì, sản xuất ra cái gì là phải do thị trường quyết định và điều phối, chứ không phải do Nhà nước. Nhà nước chỉ có quy hoạch về nguồn lực, quy hoạch về hạ tầng”, ông Võ nhấn mạnh. 

Tư duy lợi ích nhóm

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, quy hoạch ngành đặt ra một cách cứng nhắc không những không thể quản lý được mà đáng lo ngại hơn còn tạo ra cơ chế xin - cho, duy trì lợi ích nhóm, từ đó tạo rào cản cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thay vì hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước.

Thậm chí, tại cuộc tọa đàm trên, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc Luật Quy hoạch bị trì hoãn thông qua thời gian qua có một phần nguyên nhân chính là do tư tưởng lợi ích cục bộ của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương.

“Quốc hội, Chính phủ thể hiện quyết tâm chính trị từ nhiều năm nhưng việc thông qua Luật chậm trễ, khó khăn vì quy hoạch gắn với lợi ích cục bộ. Bộ, ngành có thẩm quyền quy hoạch thì có thể áp đặt ý chí chủ quan của người làm quy hoạch, tạo thuận lợi trong việc quản lý ngành của mình. Quy hoạch là gắn với xin - cho, giấy phép con, thậm chí việc biết sớm thông tin về quy hoạch còn đem đến nhiều lợi ích vật chất nên không dễ gì có thể từ bỏ”, ông Tùng nhận xét.

Bản thân Bộ Công thương sau nhiều cuộc tranh luận đã phải thừa nhận thực trạng bất cập của quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm và đồng ý sẽ xóa bỏ cách thức quy hoạch ngành, sản phẩm không còn phù hợp. Tuy nhiên, còn rất nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa từ bỏ được tư duy này, mà theo lý giải của PGS.TS. Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, nguyên nhân là do nhận thức, thói quen, khả năng cập nhật và ý thức chia cắt ngay trong lĩnh vực chuyên môn. Không chỉ phần lớn các cơ quan quản lý vẫn giữ tư tưởng “việc gì phải đổi cho khó như vậy”, mà ngay cả các nhà khoa học cũng có băn khoăn này. 

Phải xóa bỏ

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho hay, việc xây dựng và thông qua Luật Quy hoạch gặp nhiều khó khăn vì phải thay đổi thói quen, tập quán của các bộ, ngành mấy chục năm qua. Điều này cũng tương đương với việc loại bỏ, bổ sung, sửa đổi tới 95 văn bản luật và nghị định có liên quan. Tuy nhiên, dù muộn nhưng vẫn phải xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, bởi quy hoạch là gạch nối cần thiết không thể thiếu giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Đây cũng là cách thức để đảm bảo việc sử dụng, phân bổ một cách hiệu quả nhất các nguồn lực quan trọng của đất nước, đồng thời là phương pháp tích hợp để hài hòa các quy hoạch ngành trong một chỉnh thể, tránh mâu thuẫn và chồng chéo.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, Luật Quy hoạch là bộ quy tắc để xây dựng kịch bản phát triển, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương và khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững. Đây cũng là công cụ giúp quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành, tính cát cứ địa phương và giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương.

Được biết, dự thảo Luật Quy hoạch sẽ được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Tin bài liên quan