Theo các doanh nghiệp, lộ trình tăng phí ở Hải Phòng quá ngắn, 3 năm tăng 3 lần, mỗi lần tăng trên 50%

Theo các doanh nghiệp, lộ trình tăng phí ở Hải Phòng quá ngắn, 3 năm tăng 3 lần, mỗi lần tăng trên 50%

Hải Phòng tăng thu phí cảng, doanh nghiệp kêu lên Thủ tướng

(ĐTCK) Vụ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển của Hải Phòng ngày càng nóng khi mới đây, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) có công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về gánh nặng thuế, phí cảng biển Hải Phòng đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

Đề xuất yêu cầu giải trình về các loại phí cảng biển của Hải Phòng cũng được VCCI đưa ra sau khi hàng loạt doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp bức xúc lên tiếng về tình trạng thu phí bất hợp lý, song chưa có tín hiệu hợp tác giải quyết từ phía chính quyền địa phương.

Phản ánh của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và nhiều doanh nghiệp hội viên VCCI được tập hợp tại bản kiến nghị vừa gửi tới Thủ tướng cho thấy, với chính sách tăng phí và bổ sung phí mới tại Nghị quyết số 148 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng thì “một số doanh nghiệp sợi dệt trung bình và lớn tại khu vực Thái Bình và Hà Nam có lượng xuất khẩu từ 150 - 400 container (40ft)/tháng/doanh nghiệp thì mỗi doanh nghiệp sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đồng đến 2,4 tỷ đồng/năm”.

Các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trong ngành, lĩnh vực khác dự kiến sẽ mất thêm hàng trăm triệu đồng cho mỗi lần thông quan.

Đó là gánh nặng mới về phí cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều loại phí khác (phí cầu đường, các loại phí phát sinh khi sử dụng cầu cảng, kho bãi, các công trình dịch vụ ở khu vực cảng biển, …) và nhiều loại phí khác cũng đang tăng nhanh (như phí BOT).

Theo các doanh nghiệp, mức phí phải nộp theo quy định tại Nghị quyết 148 tăng gần 70% so với trước, có loại phí tăng gấp đôi. Đáng chú ý, phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng trước đó đã được điều chỉnh tăng vào năm 2015 và tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm 2016.

Không chỉ có vậy, để được thông quan tại cảng biển Hải Phòng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải thực hiện thêm một thủ tục kê khai nộp phí hạ tầng mới. Theo một số doanh nghiệp, thời gian để thực hiện cho thủ tục này từ 30 phút đến 1 giờ, chưa kể các khâu chuẩn bị và các vướng mắc phát sinh.

“Bằng việc đặt ra thêm loại phí mới và tăng khoản phí cũ, Nghị quyết 148 của Hải Phòng đã đi ngược lại tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ về rà soát để giảm các chi phí kinh doanh, một trong 5 nhóm giải pháp quan trọng của Nghị quyết 35”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu rõ.

Ông Lộc cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19 với quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực thi chính sách thúc đẩy cải cách hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu chuyên ngành, đảm bảo hoạt động thông quan nhanh chóng và thuận lợi, thì một số địa phương phát sinh thêm thủ tục hành chính khiến cho hoạt động thông quan bị kéo dài có thể coi là “bước lùi” của chính sách, đi ngược lại tinh thần cải cách mà Chính phủ đang xây dựng và hướng đến.

Một bất hợp lý khác được VCCI chỉ ra là quyết định thu phí trên của Hải Phòng từ thời điểm ký ban hành đến thời điểm phát sinh hiệu lực quá ngắn (17 ngày), không đủ cho các doanh nghiệp chuẩn bị, trong khi đây là chính sách tác động rất lớn tới quyền và lợi ích của các doanh nghiệp.

Giải trình từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo cũng chưa đủ thuyết phục, ít nhất là về căn cứ ban hành các mức phí, đánh giá tác động của chính sách đến đối tượng chịu tác động trực tiếp cũng như gián tiếp.

Theo VCCI, điều này sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm để các địa phương có cảng biển và cảng hàng không đặt ra các loại phí trong thời gian tới, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

“Chính sách ban hành chưa minh bạch và thiếu ổn định, gây bất ổn cho tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư về môi trường kinh doanh nước ta nói chung”, ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh. 

Văn phòng Chính phủ sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc đã tiến hành lấy ý kiến, quan điểm các bên, đồng thời giao đơn vị hữu quan nghiên cứu chuyên sâu toàn bộ ý kiến 5 bộ liên quan cùng ý kiến từ phía Hải Phòng và cộng đồng doanh nghiệp để tìm hướng giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) tiếp tục liên hệ các bộ để tổng hợp ý kiến, quan điểm về vấn đề này, chuẩn bị cho các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các bên vào đầu tuần tới.

Theo VPSF, hiện Bộ Công thương đã có ý kiến khá rõ ràng về một số điểm mà Nghị quyết của Hải Phòng có thể vi phạm cam kết WTO, ảnh hưởng tới hàng nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cần được xem xét trong một bài toán tổng thể để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan