Lĩnh vực khai khoáng phải có mức tăng trưởng sản lượng lớn hơn để đạt mục tiêu tăng trưởng

Lĩnh vực khai khoáng phải có mức tăng trưởng sản lượng lớn hơn để đạt mục tiêu tăng trưởng

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2017

(ĐTCK)  Ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ đã đặt quyết tâm rất cao trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,7%, dù diễn biến trong và ngoài nước có nhiều khó khăn. 

Các biện pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ ngành, được nêu rõ tại Chỉ thị 24/CT-TTg.

Trong bối cảnh này, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã công bố Báo cáo kinh tế thường niên 2017 dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng năm 2017.

Trong đó, kịch bản thứ nhất, theo phân tích của VERP, là tăng trưởng theo trạng thái gần với tình trạng “tự nhiên” của nền kinh tế. Theo đó, tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 có thể đạt mức 6,37%. Mức tăng này phản ánh xu thế lớn của nền kinh tế là vẫn đang trong hướng hồi phục, nhưng chậm chạp.

Với kịch bản thứ hai, báo cáo kinh tế thường niên của VERP giả định mức tăng trưởng đạt chỉ tiêu 6,7%, từ đó dự báo mức tăng tương ứng của các khu vực trong nền kinh tế. Mục đích là xác định xem cơ cấu kinh tế sẽ thay đổi ra sao để đáp ứng kịch bản tăng trưởng này.

Trong năm 2017, Chính phủ có nhiều không gian hơn để điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách liên quan như điều chỉnh giá các dịch vụ công thiết yếu, cũng như nới rộng chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng nhằm kích thích kinh tế   

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP, với giả định mục tiêu tăng trưởng này được hoàn thành, Chính phủ cần bảo đảm cam kết đốc thúc sát sao các ngành, lĩnh vực đạt mức tăng sản lượng theo kế hoạch chi tiết đã đề ra. Đặc biệt, ngành dầu khí được coi như một phương tiện để bù đắp các thiếu hụt về chỉ tiêu GDP.

“Trong kịch bản thứ hai nói trên, khu vực kinh tế nhà nước cần có sự tăng trưởng cao hơn trung bình những năm trước. Đồng thời, lĩnh vực khai khoáng cũng phải có mức tăng trưởng sản lượng lớn hơn”, TS. Thành nhận định.

Về mặt bằng giá, VEPR hạ dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2017 so với các dự báo đầu năm của cơ quan này xuống mức thấp hơn 3,5%.

Lý do điều chỉnh chủ yếu đến từ cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn diễn ra trong nửa đầu năm, khiến giá thịt lợn và thực phẩm giảm mạnh. Trong kịch bản thứ nhất, tăng trưởng không bị gò ép nhiều, lạm phát cả năm có thể chỉ ở mức 2,35%.

Đối với kịch bản hai, khi Chính phủ sử dụng nhiều biện pháp để kích thích kinh tế, mở rộng sản lượng, lạm phát có thể cao hơn một chút, nhưng cũng chỉ dừng ở mức 3,2%.

Điều này cho thấy, trong năm 2017, Chính phủ có nhiều không gian hơn để điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách liên quan như điều chỉnh giá các dịch vụ công thiết yếu, cũng như nới rộng chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng nhằm kích thích kinh tế.

Cũng theo phân tích của VEPR, điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây là hoạt động của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp chế biến chế tạo.

Cụ thế, các doanh nghiệp đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ mới bộc lộ rõ mối quan tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.

Những nỗ lực của Chính phủ được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, đồng thời hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cần có thời gian để đạt được sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyết tâm này. Thậm chí, nhiều dự thảo văn bản pháp quy mới mong muốn có tinh thần “cởi trói”, nhưng vô hình chung lại có khuynh hướng trao nhiều quyền lực cho cấp bộ hơn và do đó, tạo ra nhiều giấy phép con hơn. Đây là một nghịch lý mà Chính phủ cần sát sao lưu ý trong quá trình cải cách hành chính.

Cũng trong phân tích về 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế, báo cáo của VEPR đưa ra nhiều khuyến nghị và hàm ý chính sách trong ngắn hạn và trung hạn. Theo nhận định của VEPR, đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại các nguồn lực cho tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi.

“Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô… có thể không mang lại kết quả mong muốn.

Chính phủ cần tập trung vào nâng cấp hệ thống giáo dục và dạy nghề để nâng cao chất lượng lao động, cải cách thể chế và hành chính nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, đẩy nhanh thoái vốn một cách quyết đoán khỏi các doanh nghiệp nhà nước lớn, nhất là tại một số ngân hàng thương mại nhà nước”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó, theo nhóm chuyên gia nghiên cứu của VEPR, việc tự cải cách bộ máy nhà nước và Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả chi phí quản trị nhà nước là nhiệm vụ không thể né tránh hay trì hoãn, vì thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ là nguồn gây bất ổn kinh tế - xã hội sâu xa trong tương lai.

“Do vậy, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên cao nhất cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cởi trói cho doanh nghiệp. Điều này cũng không nằm ngoài mục tiêu dài hạn là xây dựng một Chính phủ kiến tạo”, đại diện nhóm nghiên cứu đề xuất.         

Tin bài liên quan