Một góc Trung tâm thương mại AeonMall Long Biên của nhà đầu tư Nhật Bản

Một góc Trung tâm thương mại AeonMall Long Biên của nhà đầu tư Nhật Bản

Hà Nội thu hút FDI từ Nhật Bản: Kết quả tích cực nhưng chưa đạt kỳ vọng

Trong 11 tháng đầu năm 2015, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam khoảng 400 dự án, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 1,72 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Hơn 1 tháng trước, Aeon - đại gia bán lẻ của Nhật Bản, đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại AeonMall Long Biên. Con số chưa bao giờ được công bố, nhưng nhiều thông tin cho biết, Aeon đã phải chi khoảng 200 triệu USD để phát triển hơn 120.000 m2 diện tích mặt bằng cho trung tâm thương mại thuộc diện lớn nhất, nhì Hà Nội này.

Đã thành công với hai trung tâm AeonMall ở TP.HCM và Bình Dương, đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam nên dễ hiểu vì sao Aeon quyết định xây dựng trung tâm thứ 3 ở Hà Nội. Nhưng kế hoạch không chỉ dừng ở đó.

Trao đổi với chúng tôi, ông Yukio Konishi, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc AeonMall Việt Nam cho biết, mục tiêu của Aeon là sẽ mở ít nhất 10 - 20 trung tâm như vậy tại Việt Nam. “Trung tâm thứ tư sẽ được xây dựng tại Bình Tân (TP.HCM) vào năm tới. Còn trung tâm thứ hai ở Hà Nội, chúng tôi vẫn đang xem xét địa điểm, có thể là năm 2017”, ông Konishi nói.

Aeon chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng trong thời gian qua. Cuối tháng 11/2015, hơn 500 doanh nghiệp Nhật Bản từ khắp nơi trên thế giới đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư và thương mại trong khuôn khổ Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp hải ngoại Nhật Bản toàn cầu năm 2015, tổ chức tại TP.HCM. Cách đây ít ngày, một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã tới Hà Nam và một loạt tỉnh phía Nam nhằm thiết lập các kế hoạch đầu tư, kinh doanh mới...

Trong khi đó, số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2015, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam khoảng 400 dự án, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 1,72 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Nhận định về dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, xu hướng tập trung nhiều vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với các dự án quy mô nhỏ. Mặc dù vậy, theo ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đây chỉ là vấn đề mang tính thời điểm.

Một nghiên cứu mới đây của JETRO cũng cho biết, có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. “Trong con mắt các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là một thị trường đầu tư đầy tiềm năng với dân số đông, độ tuổi bình quân trẻ, sức tiêu thụ lớn. Cộng thêm những tác động do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại, trong tương lai, chắc chắn sẽ còn nhiều nhà đầu tư không chỉ của Nhật Bản mà của các nước khác sẽ đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam”, ông Hiroshi Chishima, Phó trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam nói.

Thực tế thì dòng vốn FDI Nhật Bản đã và đang đổ vào Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng trong suốt thời gian qua, dù xét về số lượng có thua sút so với một số nhà đầu tư Hàn Quốc, Malaysia với các dự án quy mô hàng tỷ USD. “Điểm danh” từ đầu năm tới nay, không ít cái tên Nhật Bản đã chọn Hà Nội làm điểm đến. Chẳng hạn, Công ty cổ phần VISAHO, Snow Ice, Công ty cổ phần JES, Nhà máy FUKOKU... Nhật Bản vẫn luôn là nhà đầu tư hàng đầu mà Hà Nội đặc biệt coi trọng.

"Trong con mắt các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là một thị trường đầu tư đầy tiềm năng với dân số đông, độ tuổi bình quân trẻ, sức tiêu thụ lớn" - ông Hiroshi Chishima, Phó trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam.

“Chúng tôi luôn chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản tới đầu tư tại Hà Nội. Họ sẽ luôn nhận được những ưu đãi đầu tư tốt nhất”, ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HITTPC) nói và cho biết, Hà Nội đã có sự chuẩn bị khá kỹ để thu hút đầu tư từ Nhật Bản, với mục tiêu xúc tiến đầu tư có trọng tâm, tránh dàn trải, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ - lĩnh vực còn rất thiếu và yếu ở Việt Nam.

Để thu hút đầu tư từ Nhật Bản, năm 2015, ngoài hội nghị xúc tiến đầu tư chung của cả Thành phố, đã được tổ chức vào tháng 8/2015, Hà Nội không ngừng tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư với riêng đối tác chiến lược Nhật Bản. Một điểm nhấn quan trọng là phối hợp tổ chức các triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ ở Hà Nội và TP.HCM, với trọng tâm là thu hút đầu tư vào chế tạo linh phụ kiện, sản phẩm khuôn mẫu, thiết bị công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô...

“Những lĩnh vực này đều có dư địa phát triển rất tốt, bởi Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng chưa có nhiều doanh nghiệp cung cấp linh phụ kiện cho các tập đoàn lớn. Đơn cử, hãng Toyota của Nhật Bản vào Việt Nam nhiều năm nay, nhưng 95% phụ kiện phải nhập khẩu từ nước thứ 3”, ông Phương phân tích.

Không chỉ “mời” doanh nghiệp đến, Hà Nội còn chủ động tới tận nơi để tìm kiếm nhà đầu tư. Tháng 8/2015, các hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch đã lần lượt được tổ chức tại Fukuoka, Saitama, rồi Tokyo. Kết quả vượt mong đợi: nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, chẳng hạn, giữa Công ty cổ phần Giải pháp phần mềm Hanel (Hanel Soft) và Công ty TNHH Hiro; giữa Công ty Du lịch dịch vụ Hà Nội (Hanoi Toserco) và Công ty Du lịch Tabix, Inc…

Đặc biệt, HITTPC đã ký kết biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Mizuho, nhằm phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch tại Hà Nội.   

Kết quả là tích cực, song theo ông Phương là vẫn chưa đạt kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng.“Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước để thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản. Tất nhiên, một trong những điều kiện hàng đầu là sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để điểm đến Hà Nội luôn hấp dẫn và đầy sức cạnh tranh”, ông Phương nhấn mạnh.

Tin bài liên quan