Hà Nội nỗ lực “hút” FDI sạch

 Hà Nội đang nỗ lực đổi mới công tác xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sạch, các tập đoàn đa quốc gia đang là đích ngắm của Thủ đô.

Sắp tới sẽ có một sự thay đổi lớn trong công tác xúc tiến đầu tư tại Hà Nội

Sắp tới sẽ có một sự thay đổi lớn trong công tác xúc tiến đầu tư tại Hà Nội

Sẽ có sự thay đổi lớn

TP. Hà Nội, đầu tháng 8/2014, đã chính thức công bố chương trình hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2014. Cụ thể, trong năm nay, Hà Nội sẽ hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các khoản vay trung và dài hạn (từ 1 năm trở lên) bằng VND cho các doanh nghiệp có trụ sở chính ở Hà Nội, sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án đầu tư mới, đầu tư chiều sâu, mở rộng dự án, đổi mới công nghệ, thiết bị… Mức hỗ trợ lãi suất là 0,2%/tháng.

Đây là một trong những động thái mà TP. Hà Nội thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư và sản xuất - kinh doanh, trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm.

Song nhìn rộng ra, theo ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, đó cũng là một cách để Hà Nội khuyến khích và xúc tiến đầu tư.

“Chúng tôi đang nỗ lực đổi mới công tác xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước”, ông Quý nói và cho biết, nhờ nỗ lực xúc tiến đầu tư, trong giai đoạn 2008 - 2013, Hà Nội đã thu hút được tổng vốn đầu tư phát triển khoảng 1.141.400 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2014, Hà Nội có 2.806 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 21,1 tỷ USD. Hà Nội hiện đứng thứ ba trong cả nước về thu hút FDI. Hàng loạt dự án FDI quy mô lớn đã và đang làm thay đổi một phần bộ mặt đô thị Thành phố, cũng như góp phần không nhỏ trong thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế.

Chẳng hạn, có thể kể tới các dự án Ciputra, Keangnam…, rồi Lotte vừa chính thức khai trương, Tây Hồ Tây đang trong quá trình khởi động. Sự có mặt của các tên tuổi lớn như Panasonic, Canon… trong các khu công nghiệp ở Hà Nội cũng đã đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp và xuất khẩu của Thành phố.

Riêng 6 tháng đầu năm 2014, khối doanh nghiệp FDI đạt doanh thu khoảng 4,86 tỷ USD, tăng 12,37% so với cùng kỳ năm 2013. Khối doanh nghiệp này cũng đã đóng góp trên 2,6 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của Thành phố, chiếm tỷ trọng khoảng 48,6%.

Tuy nhiên, kết quả trên được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, cho dù những năm qua, môi trường đầu tư của Hà Nội đã và đang được cải thiện tích cực, thủ tục một cửa liên thông ngày càng đơn giản, thông thoáng và minh bạch. Thêm vào đó, kỳ vọng có nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư dự án quy mô lớn vào Hà Nội cũng chưa được như mong muốn.

“Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cũng một phần là do kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn. Hà Nội lại mới được mở rộng từ năm 2008, nhiều quy hoạch còn đang được chờ thông qua, nên chưa đủ cơ sở để tập trung thu hút đầu tư”, ông Quý phân tích và cũng thẳng thắn thừa nhận, chất lượng và hiệu quả của xúc tiến đầu tư còn thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn, hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, kinh doanh vẫn còn thiếu đồng bộ cũng là nguyên nhân khiến FDI vào Hà Nội chưa được như kỳ vọng.

“Nhưng tới đây, sẽ có một sự thay đổi lớn, khi Hà Nội tập trung đổi mới công tác xúc tiến đầu tư. Các định hướng cụ thể đã được chúng tôi xây dựng trong Chương trình Xúc tiến đầu tư giai đoạn 2014 - 2015, định hướng đến năm 2020”, ông Quý cho biết.

Chương trình này, theo thông tin của Báo Đầu tư, đã chính thức được UBND TP. Hà Nội thông qua vào trung tuần tháng 6 vừa qua, với một trong những mục tiêu quan trọng nhất là xúc tiến đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung xúc tiến đầu tư các đối tác chiến lược, các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài để thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; coi trọng phát huy và khai thác tính lan tỏa của các dự án lớn, nhà đầu tư lớn đầu tư vào Hà Nội để thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư, đối tác liên quan khác.

“Chúng tôi cũng coi cải thiện môi trường đầu tư là trọng tâm trong công tác xúc tiến đầu tư. Đồng thời, tập trung tạo điều kiện cho các dự án đã thu hút được triển khai thực hiện nhanh chóng và thuận lợi”, ông Quý nói và cho biết, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội giai đoạn tiếp theo rất cao, do đó cần tiếp tục thu hút khối lượng vốn đầu tư lớn.

“Cần thu hút vốn lớn, nhưng chúng tôi đồng thời quan tâm thu hút các nguồn vốn đầu tư có chất lượng, thu hút các dòng vốn FDI sạch”, ông Quý nhấn mạnh.

Hướng đến thu hút FDI chất lượng cao

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong cả giai đoạn 2011 - 2020, Hà Nội cần thu hút 3,9 - 4,1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 180 - 190 tỷ USD) để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, riêng trong giai đoạn 2012 - 2015, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 50 - 55 tỷ USD. 18 - 20% trong tổng nhu cầu này, Hà Nội mong muốn thu hút từ nguồn vốn FDI.

Trên thực tế, không phải tới khi Chương trình Xúc tiến đầu tư giai đoạn 2014 - 2015, định hướng đến năm 2020 được ban hành, Hà Nội mới chú trọng đến công tác xúc tiến đầu tư, mà từ trước đó, nhiều hoạt động đã được đẩy mạnh. Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo” cũng đã được xây dựng nhằm thu hút đầu tư từ Nhật Bản, nhà đầu tư lớn nhất tại Hà Nội hiện nay.

Nhưng không chỉ là Nhật Bản, trong định hướng thời gian tới, Hà Nội tập trung thu hút đầu tư từ Đông Á, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU… “Các tập đoàn đa quốc gia, với các dự án lớn, công nghệ cao và có chuyển giao công nghệ sẽ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, ông Quý cho biết, việc lựa chọn đối tác FDI được Hà Nội đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chiến lược thu hút FDI nói riêng.

Các tiêu chuẩn cụ thể cũng đã được đặt ra. Chẳng hạn, đó là các đối tác hướng vào việc thực hiện tốt nhất nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước; ưu tiên những đối tác đã đầu tư vào Việt Nam và đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội; khi thu hút FDI phải làm sao vừa khai thác được sức mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài, vừa phát huy tối đa các nguồn lực trong nước, kể cả các nguồn lực tự nhiên và nguồn nhân lực…

Một danh mục bao gồm 8 dự án kêu gọi FDI của TP. Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015 và những năm tiếp theo cũng đã được ban hành kèm theo Chương trình. Bốn trong số này có tên trong Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi FDI đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.

“Dự án rõ ràng, định hướng ưu tiên đối tác cũng rất cụ thể. Đó là lý do khiến chúng tôi kỳ vọng, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Hà Nội trong thời gian tới. Hơn nữa, đó sẽ thực sự là những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, công nghệ, góp phần quan trọng giúp Hà Nội có những dự án FDI sạch, nhằm nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả của dòng vốn FDI, đúng như chủ trương chung của Chính phủ Việt Nam”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định.

Không chỉ là 8 dự án này, theo thông tin của Báo Đầu tư, trong Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi FDI đến năm 2020, Hà Nội còn có thêm 4 dự án khác, như Dự án Cao tốc vành đai III Hà Nội, đoạn Mai Dịch - Thăng Long, vốn dự kiến 205 triệu USD; Dự án Đường sắt đô thị tuyến số 6, từ trung tâm Hà Nội đến Nội Bài, 1,35 tỷ USD; Nhà máy Nước sông Đà giai đoạn II, 300 triệu USD; Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn, 210 triệu USD; Nhà máy Xử lý chất thải công nghệ cao, 150 triệu USD…

Vĩ thanh

Kế hoạch cụ thể đã có, điều quan trọng là sẽ thực hiện như thế nào. Theo ông Quý, từng nhiệm vụ cụ thể đã được giao cho các sở, ngành, địa phương. Theo đó, những giải pháp cụ thể cũng đã được đề cập, bao gồm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố, trong đó có đẩy mạnh cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiện toàn tổ chức bộ máy xúc tiến đầu tư và đẩy mạnh hợp tác xúc tiến đầu tư giữa TP. Hà Nội và các địa phương khác.

Một điều quan trọng khác, cùng với tăng cường xúc tiến đầu tư các dự án mới, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước, TP. Hà Nội cũng rất coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; thường xuyên tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án này triển khai hoạt động một cách thuận lợi, có hiệu quả. Đây là kinh nghiệm xúc tiến đầu tư rất hiệu quả mà nhiều địa phương đã rút ra trong thời gian qua.

 “Nếu tất cả cùng nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực thực hiện, chúng tôi sẽ thực hiện tốt chương trình xúc tiến đầu tư và sẽ có một làn sóng đầu tư mới vào Hà Nội, bao gồm cả vốn FDI và vốn trong nước”, ông Quý nhấn mạnh.

Tin bài liên quan