Dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đang gặp khó về vốn

Dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đang gặp khó về vốn

Hà Nội chưa nộp hơn 1.300 tỷ đồng tiền bán vốn Nhà nước

Bộ Tài chính cho biết, đến nay, thành phố Hà Nội vẫn chưa chịu nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 1.343 tỷ đồng thu được từ hoạt động cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước mà vẫn giữ lại tại tài khoản tạm thu của Sở Tài chính, TP Hà Nội - thực hiện không đúng quy định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng.

"Không có ngoại lệ"

Hà Nội đang thực hiện dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long với tổng mức đầu tư 3.113 tỷ đồng. Việc triển khai dự án trong năm 2016 sẽ đảm bảo khớp nối, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với dự án đường trên cao do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện bằng nguồn vốn ODA.

Tuy nhiên, do dự án chưa được cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch xây dựng cơ bản giao đầu năm 2016 nên Hà Nội đang gặp khó khăn trong việc thu xếp, bố trí nguồn vốn thực hiện dự án.

Trước tình hình trên, UBND TP Hà Nội đề xuất tạm sử dụng 1.300 tỷ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để ứng vốn triển khai dự án dự án này.

Theo Bộ Tài chính, khoản kinh phí từ nguồn thu cổ phần hóa, sắp xếp DNNN thuộc UBND TP Hà Nội là 1.343 tỷ đồng hiện vẫn đang được quản lý tại tài khoản tạm thu của Sở Tài chính Hà Nội.

Ngày 6/6/2016, Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã có công văn về việc này, theo đó, đề xuất tạm sử dụng nguồn thu từ sắp xếp và cổ phần hóa DNNN để ứng kinh phí giải phóng mặt bằng cho Dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (TCDN), Bộ Tài chính cho biết, Chỉ thị 22 của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/6/2016 quy định rất rõ về vấn đề này, đồng thời, ông Tiến cũng nhấn mạnh "không có cơ chế nào quy định ngoại lệ".

Cụ thể, tại Chỉ thị số 22, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện nộp đầy đủ, kịp thời vào NSNN lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để bổ sung vốn điều lệ.

Ngoài ra, tại Chỉ thị này, Thủ tướng cũng nêu rõ nguyên tắc, ngân sách Trung ương chỉ xem xét hỗ trợ hoặc tạm ứng kinh phí cho địa phương trong trường hợp thực sự cấp bách, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương và địa phương đã sử dụng hết 50% dự phòng ngân sách của mình cho bù giảm thu.

Hà Nội xin giữ lại hàng trăm tỷ đồng bổ sung vốn điều lệ

Trước đó, vào ngày 10/8/2015, UBND Hà Nội cũng đã có Tờ trình về việc phê duyệt Đề án sử dụng tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN thuộc TP Hà Nội cấp vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội tại Đề án, tính đến 31/3/2015, số tiền phải nộp của 96 DN thuộc TP quản lý từ hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa là 670 tỷ đồng, trong đó số đã nộp là 413,7 tỷ đồng và còn phải thu 225,5 tỷ đồng.

Ngoài nguồn thu hiện có nêu trên, đến hết năm 2015, còn tiếp tục phát sinh nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các Công ty TNHH MTV 100% vốn do UBND TP Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu sau khi thanh toán chi phí cổ phần hóa và chỉ giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư theo quy định. Dự kiến thu được từ việc cổ phần hóa 19 DN 100% vốn nhà nước độc lập thuộc UBND TP Hà Nội là 520 tỷ đồng. UBND đã đề nghị nguồn bổ sung vốn điều lệ từ nguồn thu sắp xếp, cổ phần hóa DNNN thuộc UBND thành phố Hà Nội.

Trong văn bản gửi Thủ tướng hồi tháng 10/2015, Bộ Tài chính khẳng định, theo quy định tại Quyết định 21 ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, việc TP Hà Nội chưa nộp số tiền 413,7 tỷ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa, sắp xếp các DNNN thuộc thành phố về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là không đúng với quy định.

Bộ Tài chính đã đề nghị UBND TP Hà Nội thực hiện nộp toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các DN đã thu được về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN. Căn cứ số tiền đã nộp về Quỹ từ đó mới báo cáo Thủ tướng cho phép cấp vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội trong phạm vi mức vốn điều lệ của công ty đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đề nghị này của Bộ Tài chính đã nhận được sự đồng ý của Thủ tướng với công văn ngày 4/12/2015.

Tuy nhiên, tại công văn ngày 6/6/2016 nói trên của UBND TP Hà Nội đã dẫn chỉ đạo của Bộ trưởng: "Nghiên cứu theo hướng ghi thu - ghi chi cho TP Hà Nội (Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội)". Mặc dù vậy, Cục TCDN vẫn bảo lưu quan điểm của mình, cho biết các quy định hiện hành của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng đều yêu cầu số tiền từ cổ phần hóa DN sau khi sử dụng để chi phí cổ phần hóa và chi phí giải quyết chính sách lao động dôi dư thì phần còn lại được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, không có quy định ghi thu - ghi chi.

Nhiệm vụ thu NSNN chịu nhiều áp lực

Cục TCDN khẳng định, việc UBND TP Hà Nội giữ lại các khoản tiền thu từ cổ phần hóa DNNN thuộc UBND TP Hà Nội không nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN (số tiền 1.343 tỷ đồng tại tài khoản tạm thu của Sở Tài chính TP Hà Nội) là không đúng quy định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng.

Việc đề nghị sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa DNNN thuộc TP Hà Nội chưa nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN để ứng kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án mở rộng vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long không thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Vấn đề này cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Tại chỉ thị mới ban hành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra yêu cầu cho Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan và địa phương phải tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN; phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2016 Quốc hội đã quyết định.

Trong khi đó, số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, hiện thu NSNN trong 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 47% dự toán và tăng 6,1% so với cùng kỳ 2015 - đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây.

Phần thu được từ thoái vốn, cổ phần hóa DNNN được đánh giá có đóng góp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách cả năm.

Đến ngày 22/6/2016, đã có 39 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa, phần vốn bán cho nhà đầu tư chiến lược, người lao động và đấu giá công khai lên tới 11.180 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty, SCIC cũng đã thoái vốn 2.300 tỷ đồng và thu về 4.490 tỷ đồng.

Tin bài liên quan