Sự giảm sút của nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đã ảnh hưởng đến tăng trưởng chung

Sự giảm sút của nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đã ảnh hưởng đến tăng trưởng chung

Hạ dự báo tăng trưởng không còn cá biệt

(ĐTCK) Báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện vừa được công bố đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 từ 6,5% xuống 6,2%.

Lý do là tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng đầu tư chậm lại. Lạm phát cũng chậm lại do tình hình toàn cầu không mấy sáng sủa và giá năng lượng, thực phẩm toàn cầu giảm. Dự kiến, thâm hụt tài khóa sẽ bắt đầu giảm nhằm giảm nguy cơ tăng nợ công. Thâm hụt thương mại sẽ tăng làm cho cán cân vãng lai bị thâm hụt.

Trước đó, Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam (tháng 4/2016) của Khối Nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng HSBC đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2016 từ 6,7% xuống 6,3%. Theo HSBC, tăng trưởng của Việt Nam trong quý I/2016 chỉ đạt 5,6% so với cùng kỳ năm 2015, yếu hơn mức dự đoán của Ngân hàng và các chuyên gia kinh tế khác.

"Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung là khá tốt, nhưng đi vào cụ thể thì có rất nhiều vấn đề" - TS. Trần Đình Thiên.

So với quý IV/2015, mức tăng trưởng quý I/2016 là 0,9%, thấp nhất kể từ quý IV/2008, chủ yếu là do sản lượng các ngành chính suy giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất ghi nhận được trong những năm gần đây và phản ánh tác động của hiện tượng El Niño liên quan đến gián đoạn nguồn cung.

Các chuyên gia kinh tế của HSBC cho rằng, không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của HSBC, nông nghiệp có tỷ trọng đóng góp vào GDP của Việt Nam cao nhất (13%) so với các nước khác trong khối ASEAN. Quan trọng hơn, với gần một nửa nguồn lao động của Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nông nghiệp suy giảm đã gây tác động đến ngành sản xuất và dịch vụ do thu nhập lẫn chi tiêu từ hoạt động trồng trọt đều giảm.

Nhận định này cũng tương đồng với nghiên cứu của WB khi cho rằng, thời tiết không thuận lợi do tác động của El Niño gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp tại các quốc gia trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Trao đổi với ĐTCK, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung là khá tốt, nhưng đi vào cụ thể thì có rất nhiều vấn đề, trong đó có tình hình khô hạn và nhiễm mặn nặng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Đây gần như là một thảm họa thiên tai mang tầm quốc gia, đặc biệt là khi tình hình diễn ra tại một vùng được coi như vựa lúa dựa vào nông nghiệp, thủy sản của cả nước.

“Tác động tiêu cực của hiện tượng khô hạn và nhiễm mặn, theo tôi, sẽ rất ghê gớm và lâu dài. Thảm họa không chỉ gắn vào thiên nhiên, mà còn là con người, ở chính sách của các quốc gia đầu nguồn nước nên chứa đựng những căng thẳng về mặt tâm lý xã hội, xung đột lợi ích quốc gia và các nhóm xã hội; bên cạnh đó là gắn với năng lực dự báo và khả năng ứng phó của Nhà nước, trong khi điểm này thật sự còn chưa rõ ràng”, TS. Thiên nói.

Theo WB, rủi ro tài khóa là một trong những rủi ro lớn nhất của Việt Nam, khi tỷ lệ nợ trên GDP đã vượt ngưỡng 65%. Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng, WB tại Việt Nam nêu quan điểm, nếu so sánh thâm hụt tài khóa của Việt Nam với các nước khác trong khu vực, đúng là thâm hụt của Việt Nam nhiều hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng cách đây vài năm, Việt Nam đã phải nới lỏng tài khóa, tăng chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng. Hiện tại, toàn bộ nền kinh tế và bộ máy nhà nước Việt Nam cần phải cẩn trọng với các chỉ tiêu về nợ công.

“Chúng tôi đánh giá, thời điểm này là thích hợp để Việt Nam tiến hành thu hẹp chính sách tài khóa và kiểm soát chi tiêu công, bởi vì cầu trong nước đã tăng cao, tiêu dùng của khu vực tư nhân mạnh lên, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân phục hồi trở lại”, ông Sandeep Mahajan nói.

Nhìn chung, WB cho rằng, Việt Nam cần áp dụng các chính sách tài khóa cẩn trọng nhằm chặn các cú sốc từ bên ngoài trong tương lai. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa trên nợ công, nợ khu vực tư nhân, hoặc chủ yếu dựa trên xuất khẩu nguyên vật liệu. Cũng cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế một cách cẩn trọng và bền vững, Chính phủ tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình…  

Tin bài liên quan