Việc triển khai 2 Luật trong 1 năm qua đã tạo niềm tin và động lực tốt để DN tích cực gia nhập thị trường

Việc triển khai 2 Luật trong 1 năm qua đã tạo niềm tin và động lực tốt để DN tích cực gia nhập thị trường

Gỡ vướng trong thực thi Luật Đầu tư

(ĐTCK) Mặc dù còn một số vấn đề phát sinh, song theo đánh giá chung tại Hội nghị Tổng kết 1 năm thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 diễn ra ngày 20/9, 2 bộ luật này đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ và bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.

Một trong những kết quả rõ ràng mà việc triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 trong 1 năm qua đã đạt được là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo niềm tin và động lực mạnh mẽ để DN tích cực gia nhập thị trường. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư) về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong vòng 1 năm tính từ thời điểm 1/7/2015 – 1/7/2016, số DN thành lập mới đạt 105.975 DN, tăng 27,8% so với cùng kỳ giai đoạn từ 7/2014 - 7/2015. Số vốn đăng ký đạt trên 767.970 tỷ đồng, tăng mạnh trên 42,4%.

Tính bình quân số vốn trên 1 DN đạt 7,25 tỷ đồng, tăng 11,5% so với giai đoạn kể trên. Riêng 8 tháng đầu năm 2016, con số này tăng một cách khả quan, đạt 8,1 tỷ đồng/DN, tăng 32,7%. Về đăng ký DN có vốn đầu tư nước ngoài, đã có 1.660 DN FDI được thành lập trong giai đoạn này với tổng số vốn 62.205 tỷ đồng, bình quân 37,5 tỷ đồng/DN.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, những con số trên đã cho thấy sự tăng trưởng đáng kể về số lượng DN thành lập và số vốn cam kết đưa vào thị trường sau khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.

“Trong một năm qua, xu hướng tăng tiếp tục được duy trì, đặc biệt là số vốn đăng ký mới, cho thấy nhà đầu tư, DN nhìn thấy nhiều cơ hội sinh lời từ thị trường. Điều này thể hiện tâm lý nhà đầu tư và cách đánh giá của họ đối với tiềm năng của thị trường đã tích cực hơn kể từ khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đi vào cuộc sống”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết. Theo bà Minh, cùng với những thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua, tất cả những yếu tố này đã góp phần khởi sắc môi trường kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng.

Tuy nhiên, theo đánh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế sau 1 năm triển khai thực hiện 2 Luật trên cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, có không ít khó khăn, vướng mắc phát sinh do có sự khác nhau giữa

Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư. Trong đó chủ yếu trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, nhà ở, bất động sản và các ngành dịch vụ chưa mở hoặc mở hạn chế đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với thực thi Luật Doanh nghiệp, các vấn đề phát sinh không nhiều, tính chất của các vướng mắc phát sinh chủ yếu mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ, thái độ và cách thức làm việc của các công chức, cơ quan có liên quan. Song đối với Luật Đầu tư, do quy mô và mức độ đổi mới rất lớn, được thực hiện trên phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật, nhiều cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau, nên phát sinh khá nhiều vấn đề vướng mắc.

Đồng tình với nhận định này, các chuyên gia luật cũng cho rằng, hiện nay, các khó khăn trong triển khai là do các luật chuyên ngành tạo nhiều vướng mắc, trong khi quá trình tháo gỡ chậm tiến hành.

“Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là không thể chấp hành đúng pháp luật, vì hệ thống pháp luật quá phức tạp, quá rối rắm, mâu thuẫn, kể cả đối với luật sư chuyên nghiệp”, LS Trương Thanh Đức, Thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, thực trạng này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận diện và đánh giá khá đầy đủ, đồng thời đã báo cáo Chính phủ để có phương án xử lý phù hợp. Về lộ trình phương án xử lý các vướng mắc, theo ông Đông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời giải quyết dứt điểm các vướng mắc.

Bên cạnh đó, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực thi 2 Luật, công tác hoàn thiện khung khổ pháp lý sẽ được chú trọng, trong đó tập trung nhiệm vụ trọng tâm là bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật về đầu tư, kinh doanh nhằm khắc phục những điểm còn chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành để để xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới.     

Tin bài liên quan